Sự cố Youtube chấm dứt thoả thuận nội dung đã khiến nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1. Nối tiếp đà bán sàn trong phiên 4/3, phiên hôm nay, YEG tiếp tục giảm sàn tới 7% tương ứng 15.900 đồng/cổ phiếu, xuống chỉ còn 212.000 đồng/cổ phiếu.
Dù lượng cổ phiếu bán sàn lớn song YEG vẫn luôn trắng bên mua. Chốt phiên chỉ có 14.990 cổ phiếu khớp lệnh. Vốn hoá của YEG giảm 485 tỷ đồng.
Ngày 4/3, cổ phiếu này cũng giảm sàn 17.100 đồng, trắng bên mua, vốn hoá "bốc hơi" 520 tỷ đồng.
Như vậy chỉ trong 2 ngày sau sự cố Youtube, YEG đã mất 1.005 tỷ đồng, giảm xuống còn 6.964 tỷ đồng.
Trong bối cảnh cổ phiếu bị bán sàn, giảm mạnh, ban lãnh đạo Yeah1 đã có những động thái đầu tiên.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã đăng ký mua qua sàn 100.000 cổ phiếu YEG. Nếu các giao dịch thành công thì ông Tống sẽ nâng sở hữu tại YEG lên hơn 11,43 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 36,54%.
Phó tổng giám đốc Tài chính Võ Thái Phong cũng đăng ký mua vào 50.000 cổ phiếu. Nếu các giao dịch thành công hoàn toàn ông Phong sẽ nâng sở hữu tại YEG lên 124.402 cổ phiếu.
Các giao dịch dự kiến thực hiện trong thời gian từ ngày 8/3-7/4/2019. Với giá đóng cửa phiên 5/3, ông Tống sẽ chi tối thiểu 21,2 tỷ đồng và ông Phong là 10,6 tỷ đồng để sở hữu lô cổ phiếu trên.
Trước đó, Yeah1 cho biết đã nhận được thông tin về việc Youtube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Yeah1 bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
CHSA là thoả thuận cho phép để các công ty được phép tuyển chọn và quản lý doanh thu quảng cáo trên Youtube từ các kênh youtube thứ 3.
Theo đó, Youtube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn.
"Yeah1 đã có những hành động ngay lập tức để làm rõ thêm với Youtube về bản chất hoạt động, uy tín của tập đoàn cũng như từng đơn vị độc lập trực thuộc Tập đoàn Yeah1", văn bản nêu.
Yeah1 được thành lập năm 2006 khi đó chỉ là một trang thông tin điện tử dành cho giới trẻ. Sau 10 lần tăng vốn, vốn điều lệ của Yeah1 đã tăng từ 500 triệu đồng lên 305 tỷ đồng.
Năm 2018, công ty đạt doanh thu 1.658 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 180 tỷ đồng. Phần lớn lợi nhuận của công ty đến từ các hoạt động trên Youtube.