Báo cáo triển vọng ngành của Chứng khoán BIDV (BSC) đã đánh giá năm 2022 là năm tiền đề quan trọng cho việc đánh giá nội lực và khả năng hồi phục của kinh tế Việt Nam sau khi trải qua giai đoạn “nếm mật nằm gai” do dịch bệnh Covid-19.
Theo BSC, giai đoạn cuối năm 2021 đã đánh dấu nhiều tín hiệu khả lạc quan. Trong xuyên suốt năm qua, BSC cũng đã đưa ra đánh giá về các vấn đề quan trọng của thị trường, mà sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến TTCK Việt Nam như đầu tư công; quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam, việc chuyển dịch hàng hóa công nghiệp nặng và xu hướng giá hàng hóa thế giới hay cơ hội sau giãn cách, …
Với năm 2022 này, BSC đưa ra quan điểm “tích cực” đối với thị trường nói chung tuy nhiên nhấn mạnh vào mức “phân hóa” sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2021. Do đó, khả năng lựa chọn các cổ phiếu và nguyên tắc quản trị rủi ro sẽ là “kim chỉ nam” để nhà đầu tư có thể vượt qua các con sóng trong năm 2022. Báo cáo đưa ra một số yếu tố và chủ đề đầu tư có thể ảnh hưởng đến thị trường trong năm 2022, thậm chí sẽ là chủ đề đầu tư trọng điểm xuyên suốt trong giai đoạn 2023-2025.
Thứ nhất, BSC dự báo tăng trưởng kinh tế quay về mức 6,6% ở kịch bản cơ bản kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề lĩnh vực kinh tế. Tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức cao sẽ là một trong các yếu tố hỗ trợ giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh có thể tiếp tục duy trì tránh trạng thái đứt gãy chuỗi sản xuất. Đi kèm theo đó, niềm tin và sức mua tiêu dùng dần phục hồi và tầng lớp trung lưu tăng nhanh tiếp tục là động lực cho triển vọng lạc quan của các nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ.
Thứ hai, gói kích thích kinh tế, đặc biệt trong đó là gói đầu tư công sẽ là khung sườn cho kế hoạch phục hồi kinh tế của chính phủ trong giai đoạn 2022-2023. Tổng giá trị gói kích thích kinh tế phê duyệt ước khoảng 347,000 tỷ đồng, tương đương chỉ mới chiếm khoảng 4,1% GDP, trong đó gói đầu tư hạ tầng chiếm 1,3% GDP - tuy không lớn so với quy mô gói kích thích kinh tế của các nước phát triển, nhưng điểm then chốt để đạt được tính hiệu quả tối ưu lại nằm ở yếu tố tốc độ giải ngân nhanh có thể giúp cho doanh nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn qua đó hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi.
Theo các số liệu thống kê và tổng hợp từ BSC, cơ cấu đầu tư công sẽ tập trung vào xây dựng hạ tầng giao thông liên vùng và các cửa ngõ kết nối vùng KCN, cảng biển là trọng điểm với tổng giá trị tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 389 nghìn tỷ đồng. Các nhóm ngành được BSC kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng. Đồng thời, việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông sẽ giải quyết “nút thắt cổ chai” về vận chuyển, kết nối từ đó giúp các nhóm ngành bất động sản thương mại và KCN, cảng biển có thể được hưởng lợi gián tiếp.
Thứ ba, dòng vốn nước ngoài sẽ nghịch đảo lại xu hướng bán ròng năm trước 2021 nhờ vào cơ hội nâng hạng thị trường năm 2024. Nhà đầu tư ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại nhằm đón đầu sự kiện lớn trong bối cảnh tương quan hấp dẫn giữa mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và định giá để thị trường Việt Nam tiến lên một dấu mốc cao hơn.
Thứ tư, hoạt động thoái vốn nhà nước liệu sẽ sôi động hơn trong năm 2022 sau 2 năm trầm lắng. BSC cho rằng Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác thoái vốn trong năm 2022, điều này cũng sẽ giúp cho chính phủ có thêm nguồn thu hỗ trợ vốn cho việc giải ngân các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2023-2025. Một số công ty có khả năng thoái vốn cao trong năm 2022: BMI, FPT, SAB, NTP với tổng giá trị thoái vốn khoảng 1,7 tỷ USD.
Ngoài ra, BSC cũng đưa ra thêm một số yếu tố cần chú ý trong năm nay, liên quan đến dòng vốn nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nhân tố dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 và cả dài hạn khi thị trường vẫn còn rất lớn, xu hướng chuyển dịch đầu tư sang thị trường chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn khởi trào. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ước tính tăng 21% so với cùng kỳ sẽ là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán chinh phục các cột mốc mới, đóng góp chính đến từ (1) ngân Hàng, (2) bất động sản, (3) công nghiệp, (4) dầu khí và (5) dịch vụ tiêu dùng.
Tuy nhiên, chu kỳ “tiền rẻ” có vẻ đã kết thúc, BSC cho rằng môi trường lãi suất có thể duy trì ở mức thấp và sau đó sẽ nhích dần lên dưới áp lực của 3 lần tăng lãi suất dự kiến của FED. "Sự dễ dãi” của dòng tiền trong năm 2021 sẽ không còn, thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt và khả năng lựa chọn cổ phiếu sẽ là yếu tố trọng yếu đến hiệu suất của nhà đầu tư.
Tính đến ngày 18/1/2022, VN-Index đang giao dịch với mức PE dự báo năm 2022 khoảng 14,5 lần. BSC dự báo VN-Index theo kịch bản tích cực sẽ đạt 1.782 điểm vào cuối năm 2022.
BSC tổng hợp cổ phiếu khuyến nghị cho năm 2021 với 64 mã, trong đó một số mã nổi bật với tiềm năng tăng giá hai chữ số phần trăm như ELC (63%), CTI (54%), HND (51%), CTD (45%), PC1 (44%), AGG (41%), QTP (38%), HPG (36%), VHM (36%)...