Cụ thể, Nghị quyết cho phép sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet.
Bên cạnh đó, sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Quỹ đổi mới công nghệ thông tin (ITIF) nhận định, đầu tư vào viễn thông và khoa học - công nghệ trở thành một phần không thể thiếu của bất kỳ gói hỗ trợ nào trong đại dịch. Đồng quan điểm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, đổi mới, phát triển khoa học - công nghệ là trọng tâm trong việc cung cấp các giải pháp trước suy thoái gây ra bởi Covid-19.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông, khoa học - công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số. Trong các kế hoạch kích thích, khôi phục kinh tế trên toàn thế giới, các nước đặc biệt tập trung phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, khoa học, công nghệ thông tin.
Trước đây, chính phủ của nhiều quốc gia đã tăng cường đầu tư vào viễn thông và khoa học - công nghệ trước đại dịch. Cho đến khi chịu nhiều tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra, các quốc gia thấy rằng, để tạo ra sự phát triển bền vững, hiện đại hoá khoa học - công nghệ là vô cùng quan trọng. Theo đó, chính phủ các quốc gia đã cam kết chi tổng cộng hơn 1,5 nghìn tỷ USD cho khoa học - công nghệ trong các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tờ The New York Times cho biết, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Mỹ đã bắt đầu thấy được sự hạn chế trong công nghệ của mình, điển hình là bất cập trong băng thông internet. Do đó, Chính phủ Mỹ đã phải tự hiện đại hoá, sửa chữa thiếu sót về công nghệ của mình.
Cụ thể, năm 2020, Mỹ đã tung ra gói hỗ trợ 2,2 nghìn tỷ USD và gói hỗ trợ 1,9 nghìn tỷ USD trong năm 2021. Trong đó, khoảng 716 tỷ USD tập trung chủ yếu cho hiện đại hoá khoa học - công nghệ, tự động hoá và cải thiện băng thông mạng của các tiểu bang.
Theo Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA), các gói hỗ trợ kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh ở mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Có một điểm chung trong các gói hỗ trợ chính là tập trung nhiều hơn vào viễn thông, khoa học - công nghệ.
Tháng 6/2020, Đức đưa ra gói hỗ trợ trị giá 56 tỷ USD và dành ra 10 tỷ tương đương 18,52% để nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ.
Tháng 11/2020, Vương Quốc Anh sử dụng 2,5 tỷ USD trong gói cứu trợ 15 tỷ USD tương đương 16,67% trong gói hỗ trợ cho nghiên cứu, đổi mới, phát triển khoa học - công nghệ.
Theo báo UPI, năm 2021, Hàn Quốc đã công bố gói phục hồi "New Deal 2.0" trị giá 190 tỷ USD tập trung vào công nghệ kỹ thuật số và các dự án năng lượng xanh. Dự án này nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng công nghệ mạnh mẽ của Hàn Quốc để phát huy thế mạnh viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo và big data.
Trong đó, các dự án năng lượng xanh sẽ tập trung đầu tư vào kỹ thuật số, metaverse, thúc đẩy hơn nữa các công nghệ như blockchain và điện toán đám mây vào các lĩnh vực trong nền kinh tế.
OECD chia sẻ, Đức đã đầu tư nhiều hơn vào khoa học - công nghệ, điển hình là kinh tế kỹ thuật số, nhằm phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19. Mặc dù Đức là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật, nhưng vẫn kém các nền kinh tế tiên tiến khác trong quá trình chuyển đổi kinh tế số.