Cuộc khủng hoảng mà Sri Lanka đang phải đối mặt gây ảnh hưởng lên mọi mặt trong đời sống của quốc đảo này. Không thoát khỏi vòng xoáy đó, du lịch, ngành công nghiệp không khói đã làm lên tên tuổi của Sri Lanka, cũng đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Với điều kiện thời tiết ấm áp quanh năm, những bãi biển tuyệt đẹp, rừng nhiệt đới rộng bát ngát và khả năng nói tiếng Anh tốt của đại bộ phận người dân, Sri Lanka vẫn luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng những bất ổn ở quốc đảo này đang khiến du khách khó lòng trở lại.
Ảnh: Dy Khoa, travel storyteller
Điều đó gây ra sự nuối tiếc cho nhiều du khách đã từng đặt chân tới đây. Bên cạnh phong cảnh tuyệt đẹp, sự mến khách của người dân là điều khiến họ luôn trở lại. Ngay giữa khủng hoảng, Dy Khoa, một blogger du lịch người Việt đã từng có cơ hội làm việc và sinh hoạt tại Sri Lanka, khẳng định mình sẽ trở lại Sri Lanka khi điều kiện phù hợp.
"Người dân ở đây rất thân thiện, hầu như tất cả mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của du lịch nên rất nhiệt tình đối với khách nước ngoài. Đó một phần là bởi sự chuyên nghiệp, một phần cũng là do lòng hiếu khách từ chính bản thân người dân", anh Khoa cho biết.
Ảnh: Dy Khoa, travel storyteller
Trong gần 4 năm sống tại quốc đảo này, anh đã ấn tượng sâu sắc bởi văn hóa và con người nơi đây. Anh kể lại trong một lần lỡ tàu, một sĩ quan cảnh sát ở gần đó đã tốt bụng đưa anh tới nơi anh cần đến, sau đó quay lại chấp hành nhiệm vụ tiếp.
"Chỉ một chi tiết nhỏ thôi cũng đã khiến tôi nhớ mãi. Dù đã trở về Việt Nam nhưng nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn quay trở lại quốc đảo này và gặp lại con người nơi đó", anh Khoa chia sẻ.
Ảnh: Dy Khoa, travel storyteller
Trước đại dịch, du lịch đóng góp 12% GDP của Sri Lanka. Tuy nhiên, với tình trạng đang diễn ra, các khách du lịch có thể sẽ đắn đo khi lựa chọn quốc đảo này làm nơi nghỉ dưỡng. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn này, anh Khoa tin rằng danh xưng "thiên đường du lịch" của Sri Lanka không chỉ được tạo nên trong "ngày một ngày hai". Sau khi thoát khỏi khủng hoảng, triển vọng của ngành du lịch nước này sẽ rất tươi sáng.
Chỉ vài năm trước, Sri Lanka vẫn còn là một nước có ngành du lịch bùng nổ và các dự án cơ sở hạ tầng đầy hứa hẹn gây chú ý trên toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả chỉ còn là quá khứ, quốc đảo 22 triệu dân đã đã chìm vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc.
Với hơn 50 tỷ USD nợ nước ngoài và sự thiếu hụt dự trữ ngoại hối, quốc gia này hiện đang phải vật lộn để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu. Điều này đã khiến giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, nhiên liệu và sữa tăng mạnh.
Ảnh: Dy Khoa, travel storyteller
Trong những năm tháng sinh sống tại quốc đảo Nam Á, anh Dy Khoa đã quen một bạn sinh viên, khi đó bạn ấy mới 15 tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Ella, Sri Lanka. Anh kể rằng dù bạn vừa học vừa làm, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước ổn định vào thời điểm đó, bạn vẫn đủ khả năng trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Theo thông tin từ bạn sinh viên chia sẻ với anh Khoa, ở thời điểm hiện tại, người dân Sri Lanka cũng không quá chật vật vì đa số đã có sự chuẩn bị từ trước. Đợt dịch bệnh kéo dài trong hai năm vừa qua đã tạo cho họ thói quen tích trữ lương thực và nhu yếu phẩm.
"Vì vậy, dù lạm phát tăng cao kéo theo giá cả leo thang trong bối cảnh nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn thì họ vẫn có thể "trụ vững" trong một khoảng thời gian ngắn sắp tới. Ngoài ra, do ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ, họ còn có "phong tục" tích trữ vàng, nhưng các hộ gia đình hầu như đã bán số lượng đáng kể trong thời gian toàn quốc phong tỏa do dịch bệnh", anh Khoa chia sẻ.
Ảnh: Dy Khoa, travel storyteller