Do virus Corona, để năm 2020 Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn.
Tăng trưởng khó đạt
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hai kịch bản tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Kịch bản 1: Nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.
Kịch bản 2: Nếu dịch Corona được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Giá cả tăng cao hơn
Đánh giá về tác động đến giá cả, lạm phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trường hợp dịch Corona kết thúc ở quý I/2020, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý II/2020 (so với kịch bản ngày 31/1/2020). Nếu dịch Corona tiếp tục diễn biến sang quý II/2020, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao hơn do hoạt động sản xuất giảm sút và tăng vào các tháng cuối năm.
Tăng cường sản xuất khẩu trang đế đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước |
Kịch bản 1: Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ Tết do nhu cầu tăng, sau đó trở về mức ổn định theo đúng quy luật tiêu dùng; ảnh hưởng của dịch Corona kết thúc ở quý I/2020, CPI tháng 2 và tháng 3/2020 giảm so với tháng trước; giá xăng dầu, giá gas không tăng so với năm 2019; giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình tác động làm tăng CPI 0,35%. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%.
Kịch bản 2: Giả thiết: Như kịch bản 1 nhưng giá thịt lợn bình quân năm 2020 tăng thêm 10% tác động vào CPI khoảng 0,42%; giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm 5% tác động lên CPI tăng khoảng 0,5%; giá gas tăng 10% ước tính sẽ tác động làm CPI tăng khoảng 0,12%; thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho thủy điện có thể xảy ra; dịch Corona tiếp tục diễn biến sang quý II/2020. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.
Xuất khẩu và nhập khẩu giảm mạnh
Ở cả hai kịch bản về xuất nhập khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều dự báo sẽ giảm mạnh.
Kịch bản 1, nếu dịch Corona kết thúc cuối quý I/2020 thì xuất khẩu ước tính quý I đạt kim ngạch 46,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản, thủy sản giảm mạnh. Hàng điện thoại các loại và linh kiện cũng giảm tới 27%.
Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý I đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 30%, hàng thủy sản giảm 33%.
Còn ở chiều nhập khẩu, ước tính quý I kim ngạch nhập khẩu đạt 50 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Với kịch bản 2, nếu dịch Corona kết thúc cuối quý II/2020 thì xuất khẩu ước tính quý II đạt kim ngạch 51 tỷ USD, giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lao dốc mạnh. Cụ thể quý II đạt 5,6 tỷ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 60%, hàng thủy sản giảm 57%.
Nhập khẩu cũng giảm đáng kể, ước tính quý II kim ngạch nhập khẩu đạt 53 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc quý II đạt kim ngạch 15 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất.
Khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh: Mất 2,3-5 tỷ USD
Thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và luôn có khoảng cách lớn so với các thị trường khách lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan... Cục Hàng không đã tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc và ngược lại từ chiều 1/2; tỉnh Quảng Ninh đóng cửa tất cả các đường mở, lối mòn biên giới với Trung Quốc và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30/1 nên số lượng khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch bằng 0.
Với khách Trung Quốc, ở kịch bản 1 là dịch Corona kết thúc cuối quý I/2020, lượng khách quốc tế trong quý I cũng vẫn là 644 nghìn lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800 nghìn lượt khách.
Ở kịch bản 2, dịch Corona kết thúc cuối quý II/2020, lượng khách Trung quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch.
Đối với khách quốc tế đến từ các quốc gia khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo: Cũng do ảnh hưởng bởi dịch Corona, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virut Corona. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.
Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141/1 khách.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.
Lương Bằng