"Cây này làm ra được khoảng 50 cái kie, mà mỗi cái kie bán được từ 4 - 5 tỷ đồng/kie thì đã rơi vào 200 tỷ đồng rồi", một chủ vườn lan nói.
Trong bối cảnh chung kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn vì đại dịch, các kênh đầu tư vẫn đang rất hút khách từ bất động sản, chứng khoán, tiền ảo và nay là lan đột biến.
Nhưng chỉ có lan đột biến là khiến dư luận thấy sững người bởi chỉ từ một thứ cây cảnh đành rằng là quý, là hiếm nhưng lên giá vài tỷ đến cả trăm tỷ đồng thì chưa sản phẩm đầu tư nào trước nay làm được. Những con số lớn đến khó tin dĩ nhiên kéo theo nỗi lo về nguy cơ "bong bóng".
Từ một loại cây cảnh, giá lan đột biến giá đội lên vài tỷ cho đến cả trăm tỷ đồng. Ảnh: Dân trí |
Tại một vườn lan trên địa bàn huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, trong vai người cần mua lan, nhóm phóng viên VTV được tiếp cận đến những dòng lan đôt biến với những lời cam kết chắc chắn sẽ có lợi nhuận.
"Cây này 4 tỷ thì anh về cắt cây này ra 16cm hoặc 20cm để kích hoa và kích kie để nuôi gốc, từ đó cử thêm lá thêm đốt, anh đem bán đi anh đã lãi được cái gốc này", chủ vườn lan nói.
Theo chủ vườn lan, 5 cánh trắng bạch tuyết có giá từ 210 - 270 triệu đồng/cm; 5 cánh trắng bảo duy 1,3 tỷ - 1,6 tỷ đồng/cm. Một chậu lan khác cũng được giới thiệu có giá tiền tỷ.
Chủ nhà vườn lan cho biết: "Cây này làm ra được khoảng 50 cái kie, mà mỗi cái kie bán được từ 4 - 5 tỷ đồng/kie thì đã rơi vào 200 tỷ đồng rồi".
Không đủ tiền, khách hàng được giới thiệu là mua theo kie, cm hoặc chung nhau. Để khách hàng yên tâm, chủ các vườn lan cam kết sẽ ký hợp đồng tại vườn, có quay lại video làm chứng. Sau khi mua, khách có thể gửi lan tại vườn để được chăm sóc.
Các hình thức mua bán giao dịch nhiều tỷ đồng chỉ là chiêu trò câu like bán hàng. (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Dân trí) |
Còn với cây lan Ngọc Sơn Cước được rao bán với giá 250 tỷ đồng tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Điều đáng nói, cách đây 1 năm, người đàn ông sở hữu cây lan đã mua nó trôi nổi ven đường tại một huyện miền núi.
Theo giới buôn lan tại huyện Tam Đảo tiết lộ, các hình thức mua bán giao dịch nhiều tỷ đồng chỉ là chiêu trò câu like bán hàng.
"Biết là dòng này nó không tồn tại được, nếu không mời chào được ai mua, sóng sau dồng sóng trước. Giờ đến cuối năm không có tiền vào lan nó xuống, giờ nhiều người vào nó lại lên", người chơi lan nói.
Theo các chuyên gia, hiện nay việc mua bán lan đột biến chưa bị thu thuế, nên có hiện tượng thối phồng giá trị. Nếu đầu tư ồ ạt, sẽ tạo ra cung vượt cầu, lúc đó thị trường lan đột biến sẽ bảo hòa, người đầu tư sau có nguy cơ không bán được.
Thượng tá Đỗ Đình Thạch, Phó trưởng Công an thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho hay: "Giao dịch tiền của chủ lan và khách mua lan là chưa có, đến thời điểm này là chưa đánh giá được hết".
"Cơn sốt này là do một nhóm người tạo ra kịch bản, sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn họ đã rút và cơn sốt sẽ vỡ bong bóng", PGS - TS Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Học viện Cảnh sát nhân dân cho hay.
Một câu chuyện đã từng xảy ra tại Ha Lan thế kỷ 17. Lúc đó, hoa tulip cũng giống như lan đột biến tại Việt Nam, ban đầu có giá bán lên đến 11 triệu USD (khoảng 25 tỷ đồng). Càng ngày càng đắt và mọi người đua nhau vào đầu tư. Đến một ngày loài hoa này đã không bán được cho ai, vì giá quá cao và hoa cũng quá nhiều.
(Theo VTV Digital)