Ngày 27/6, tại Hội thảo "Thương hiệu - nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt ” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM - khẳng định, kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nền kinh tế toàn cầu; tương lai là tuần hoàn, tương lai là xanh hoặc không có tương lai. Các nội dung cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn có thương mại xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh…
Để doanh nghiệp Việt ngày càng “xanh” hơn, ông Quân cho rằng rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ ngành; sự tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn; cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp (DN) đầu ngành; lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương.
Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới nhưng có một thực tế là, hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu . Thống kê từ Bộ Công thương chỉ rõ, có đến 70-80% là xuất thô, giá trị gia tăng thấp.
Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hóa nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu...
Hiện đã có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần…
Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do thương hiệu của DN Việt Nam còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt , cho DN Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.
Việc sản phẩm Việt phải thông qua thương hiệu của các nước khác, hoặc xuất khẩu thô để nước ngoài chế biến, theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là vấn đề chung của các nước xuất khẩu nông sản, nhưng kéo dài bao lâu phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước và khát khao, quyết tâm hành động của DN.
Bởi việc xây dựng thương hiệu do DN quyết định, còn Nhà nước là bà đỡ, chứ bản thân Nhà nước không thể tự xây dựng thương hiệu. Thương hiệu - nội lực mềm của nông sản Việt Nam không chỉ là nội lực của DN mà là nội lực quốc gia.
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng, ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo ông Đức, DN nên định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu. “Khi đặt câu hỏi cho người tiêu dùng khi nghĩ đến Việt Nam thì nghĩ đến sản phẩm gì thì người tiêu dùng không nghĩ ra được sản phẩm nào mang tính nổi trội đặc trưng của Việt Nam. Do đó, phải đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Đức nói.