Sau 6 năm chờ đợi, những người dùng tham gia đào Pi Network trên ứng dụng điện thoại sắp có thể chính thức giao dịch Pi trên sàn (ngày 20/2 tới). Thông tin Pi mainnet và niêm yết đã gây nhiều cảm xúc trái chiều trong cộng đồng. Đây cũng là một trong những dự án gây tranh cãi nhất thế giới tiền mã hóa.
Trước ngày Pi Network lên sàn, dữ liệu SimilarWeb cho biết, trang web chính thức của Pi Network ("minepi") đã ghi nhận 7,5 triệu lượt truy cập trong tháng 1/2025.
Việt Nam hiện đang đứng thứ ba thế giới về lượng truy cập vào trang web Pi Network, chiếm 9,5% tổng số lượt. Hai quốc gia có lượt truy cập cao hơn Việt Nam là Nigeria (10,03%) và Ấn Độ (9,92%), trong khi Mỹ và Hàn Quốc đứng trong top 5.
Pi Network xuất hiện từ 2019, nhanh chóng thu hút đông đảo người tham gia tại Việt Nam từ đầu 2021 nhờ lời hứa hẹn đào coin miễn phí bằng cách điểm danh hàng ngày trên ứng dụng di động. Tuy nhiên, dự án gây nhiều tranh cãi khi duy trì tình trạng "mainnet kín", chưa cho phép giao dịch trên các sàn chính thức.
Trên thực tế, cộng đồng Pi Việt Nam đã hoạt động từ giai đoạn đầu Pi xuất hiện khoảng 6 năm trước. Và dù không được luật pháp Việt Nam công nhận là phương tiện thanh toán nhưng nhiều người dùng Pi vẫn sử dụng Pi để trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, pháp luật đa số quốc gia trên thế giới, gồm Việt Nam, cấm việc sử dụng loại tiền tệ khác để giao dịch, thay thế tiền pháp định.
Là một trong những cộng đồng Pi Network sôi động nhất thế giới, nhiều người dùng tại Việt Nam không khỏi hào hứng trước tin tức Pi mainnet. Điều này đã gây nên một làn sóng thu mua PI trước ngày niêm yết. Một cá nhân giao dịch OTC có tiếng trong cộng đồng đã thua mua PI với giá hơn 30,000 VND.
Theo quan sát cộng đồng, giá PI trên thị trường OTC trong ngày hôm qua đã tiếp tục tăng vượt 30.000 VND và đạt đến mức 50.000 VND. Điều này có nghĩa, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng PI sẽ có giá đâu đó khoảng 1,5 USD – 2 USD. Vẫn còn hơn một tuần nữa mới đến ngày niêm yết, có khả năng thị trường OTC của Pi Network sẽ còn tiếp tục sôi động, tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia tiền số cảnh báo rằng Pi Network có thể đối diện với một đợt "bơm xả" khi giai đoạn giao dịch mới bắt đầu. Bởi lẽ, đa số người đã khai thác Pi trong nhiều năm đang chờ để thanh lý tài sản.
Tháng 6/2023, Bộ Công an Việt Nam từng điều tra Pi Network do nghi ngờ mô hình hoạt động theo kiểu đa cấp, thu hút người tham gia dưới danh nghĩa "đào coin miễn phí".
Về câu chuyện tính hợp pháp của nền tảng và các hệ quả pháp lý tiềm ẩn, Colin Wu, một nhà báo blockchain nổi tiếng với những hiểu biết sâu sắc về thị trường tiền điện tử Trung Quốc đã thẳng thắn nói rằng Pi Network sử dụng một chiến lược tiếp thị đa cấp.
"Quá trình khai thác yêu cầu người dùng nhấn nút mỗi 24 giờ mà không tốn chi phí tài chính. Nền tảng này sử dụng một chiến lược tiếp thị đa cấp, khuyến khích người dùng mời người khác tham gia, điều này tăng tốc độ khai thác của họ. Cấu trúc này đã dẫn đến sự so sánh với các mô hình kim tự tháp, vì sự phát triển của nền tảng phụ thuộc nhiều vào việc tuyển dụng người dùng", ông Colin Wu nhấn mạnh.
Phân tích này cũng nhấn mạnh đối tượng chính của Pi Network. Họ sống ở các khu vực như Đông Nam Á, Nam Á, Nigeria, và các cộng đồng bị thiệt thòi ở Châu Âu và Mỹ. Đối với nhiều người ở những khu vực này, nền tảng cung cấp một điểm vào dễ dàng vào thị trường tiền điện tử, đặc biệt là với yêu cầu kỹ thuật tối thiểu và không cần đầu tư tài chính.