Giá gà lông trắng (hàng nuôi tại trại gia công cho Công ty CP chăn nuôi C.P) hiện đang giao dịch tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) với giá từ 24.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, tùy loại trống, mái.
Ông Sơn cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến giá gia cầm giảm là do ảnh hưởng của dịch virus corona khiến các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp, trường học đều giảm, trong khi đó nguồn cung của gia cầm lại đang ở mức cao. Chính điều này đã đẩy giá gia cầm giảm sâu, nhất là giá gà lông trắng nuôi trong các hộ nuôi nhỏ, lẻ đã xuống mức rất thấp chỉ còn khoảng 8.000 đồng đến 9.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến nay giá gia cầm đã tăng dần trở lại với mức tăng khoảng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg.
Cụ thể, theo thông tin từ ông Sơn, giá gà lông trắng đã tăng lên đạt 18.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, gà lông màu giá phổ biến là 28.000 đồng/kg. Đối với gà mái loại thải, giá hiện khoảng 55.000 đồng/kg.
Riêng gà ta luôn có giá cao hơn các loại gà khác, hiện đang ở mức từ 65.000 đồng đến 70.000 đồng/kg; giá vịt thịt tại các trại ở mức trên dưới 35.000 đồng đến 37.000 đồng/kg; giá trứng gia cầm khoảng 1.300 đồng/quả...
"Với mức giá trên thì người nuôi vẫn chưa thể có lãi, nhất là người nuôi gà công nghiệp vẫn phải chịu lỗ nhiều vì giá bán thấp hơn giá thành sản xuất", ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn: Dù giá gia cầm đang tăng, song theo dự đoán của tôi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là dịch virus coroa nên giá mặt hàng này cũng không tăng quá đột biến, không thể bằng giá trước Tết Nguyên đán được.
Giá gà lông trắng vẫn ở mức rất thấp khiến người chăn nuôi chịu thua lỗ nặng.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng cho biết: Theo thông tin chúng tôi nắm được, hai ngày nay giá gia cầm tại các địa phương phía Nam đã tăng dần trở lại, trong đó mặt hàng gà lông trắng tại các công ty chăn nuôi cũng tăng lên, đạt 19.000 đồng đến 20.000 đồng/kg.
Giá thu mua loại gà này tại hộ chăn nuôi cũng chỉ thấp hơn khoảng từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg chứ không có chuyện giá gà "rẻ như rau", chỉ 8.000 đồng đến 9.000 đồng/kg như tin đồn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV ngày 19/2, giá gà công nghiệp tại một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ vẫn ở mức thấp, khiến người chăn nuôi không khỏi lo lắng.
Cụ thể, giá gà trắng (gà công nghiệp) tại Đồng Nai đang dao động từ 10.000 - 13.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi cho biết rất khó bán và thương lái tuyển chọn rất kỹ. Gà trắng công nghiệp nhưng cân nặng trên 3kg/con sẽ có mức giá khoảng 9.000-10.000 đồng/kg.
Đối với gà thả vườn, hiện tại mức giá xuất đi trong ngày cũng chỉ còn 25.000 - 27.000 đồng/kg, giống gà tam hoàng nằm mức 17.000 - 19.000 đồng/kg.
Giá gà tại Đồng Nai vẫn đang ở mức thấp. Ảnh: Nha Mẫn
Theo ông Hưng Nhân, chủ doanh nghiệp chăn nuôi gà thả vườn Hưng Nhân tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), từ cuối năm 2019 khi dịch tả heo Châu Phi bùng phát thì nhiều người chăn nuôi ở khu vực Đồng Nai đã chuyển hướng đầu tư vào gà. Trang trại của gia đình ông cũng tăng đàn với số lượng rất lớn vì hi vọng người dân sẽ chuyển sang ăn gà nên giá gà sẽ tăng cao. Tuy nhiên do tính toán sai nên dẫn đến việc cung vượt cầu, gà hiện cũng xuất đi không được.
“Hiện giá gà công nghiệp bán ra chỉ bằng nửa giá thành sản xuất, giá vịt cũng thấp so với hồi đầu năm, tất cả là do dịch bệnh và tăng đàn quá mức. Hôm nay tôi vừa xuất 15.000 con gà trắng công nghiệp giá chỉ ở mức 9.000 đồng/kg, xuất 15.000 con nhưng không kiếm đủ vốn, phải bù lỗ thêm. Doanh nghiệp cũng lâm vào cảnh ôm lỗ, ôm nợ chứ không riêng gì các trại chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện chúng tôi đang lo lắng vì vốn vay ngân hàng quá nhiều, làm ăn lớn sẽ ôm lỗ lớn”, ông Hưng Nhân nói.
Hiện giá gà lông trắng (gà công nghiệp) tại Đồng Nai đang giảm thê thảm, chỉ còn từ 10.000 - 13.000 đồng/kg.
Hiện tổng đàn gia cầm của Đồng Nai đến thời điểm này khoảng gần 29 triệu con, tăng hơn so với tháng 9/2019 khoảng 4 triệu con. Trong đó, tổng đàn gà khoảng hơn 25 triệu con.
Về nguyên nhân giá gà công nghiệp rớt thảm hại, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện tại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các trường học, công ty,… chưa hoạt động ổn định nên giảm tiêu thụ, dẫn đến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, do người chăn nuôi chưa nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, tăng đàn nhiều, ồ ạt vào thời điểm cuối năm 2019 dẫn đến khó xuất bán. Hiệp hội chăn nuôi cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn theo kiểu phong trào, tránh ôm nợ.