Loại cỏ mọc hoang được mệnh danh là thần dược, cỏ thiêng...
Cỏ kim cương còn có nhiều tên khác như: lan kim tuyến, cỏ nhung, mộc sơn thạch tùng, kim tuyến liên, lan gấm,... Tên khoa học của loại cây này là Anoechilus roxburglihayata, thuộc loài địa lan trong họ lan (Orchidaceae).
Loài cỏ này sống ở nơi ẩm ướt và mọc rải rác trong rừng sâu. Mặt trên lá có màu tím nhung, gân lá hiện lên rất rõ, lá dày nhưng rất mềm mượt, óng ánh như kim tuyến, mặt dưới màu phớt hồng, thân chia thành từng đốt.
Kim tuyến chỉ mọc ở nơi đất tốt và tơi xốp, không có ánh sáng trực tiếp của mặt trời và thường mọc thành bãi. Kim tuyến cũng chỉ có ở trong những mạn rừng sâu và cao, rất hiếm ở khu vực rìa rừng.
Cỏ kim cương mọc hoang dại với tin đồn chữa được ung thư.
Giá của loài cỏ hoang dã này khá đắt đỏ, trên các trang mạng rao bán cây tươi có thể bán được 5 triệu đồng/kg, trong khi phơi khô có thể lên tới gần 20 triệu đồng/kg.
Sở dĩ có mức giá cao như vậy là do lan kim tuyến được người Trung Quốc thu mua khá nhiều và được cho là có giá trị dược liệu cao. Ở Trung Quốc nó được gọi với danh xưng là "Vua thuốc", "Cỏ vàng", "Thuốc thần kỳ" và "Nhân sâm đen"...
Trong cuốn sách Đông y nổi tiếng Trung Quốc "Bản thảo cương yếu" ghi rằng, lan kim tuyến có chức năng và công dụng đặc biệt, giúp làm mát huyết, dịu gan, thanh nhiệt, giải độc, được sử dụng rộng rãi trong y học hiện đại, có tác dụng phục hồi các tế bào gốc bị tổn thương và thường được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường, sỏi, viêm phế quản,…
Nhiều năm trước, đã có lúc cỏ kim cương bỗng sốt xình xịch ở Tây Nguyên, cũng là bởi người Trung Quốc phát hiện một số vùng núi cao ở Tây Nguyên có loài cỏ này. Học sinh bỏ cả trường lớp đi nhổ cỏ nhung bán cho thương lái với giá 1 triệu đồng/kg.
Được biết, sở dĩ cỏ nhung trong Tây Nguyên rẻ như vậy vì chất lượng không bằng ở Hoàng Liên Sơn. Loài cỏ này phải mọc ở độ cao trên 2.800m mới có giá trị dược liệu cao nhất.
Cỏ kim cương phơi khô có giá tới 20.000.000 đồng/kg.
Nhiều người rất hào hứng khi nhìn thấy những loại cây có lợi nhuận như vậy, tuy nhiên do sản lượng thấp và khai thác quá nhiều nên số lượng cây hoang dã ngày càng giảm. Vào những năm 1990, nó đã được chính phủ Trung Quốc đưa vào danh sách cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng.
Những năm trở lại đây, một số người đã tự trồng cây này nhưng hiệu quả không cao, vì rất khó trồng, quá nhạy cảm với môi trường, khó sống được khi nhiệt độ và độ ẩm ở mức thấp.
Hiện nay giá trị của cây lan kim tuyến vẫn còn rất cao, được nhiều khách sạn, nhà hàng và những người giàu có sử dụng để làm nguyên liệu nấu món ăn cao cấp.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)