Ấn Độ thế chỗ châu Âu trong vai trò là khách hàng lớn nhất của Nga
Tính ưu việt của đồng đô la đôi khi bị nghi ngờ nhưng đồng tiền này vẫn tiếp tục chiếm ưu thế vì những lợi thế áp đảo của việc sử dụng đồng tiền được chấp nhận rộng rãi nhất trong kinh doanh. Tuy nhiên, thương mại dầu mỏ của Ấn Độ đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ nhất cho đến nay về sự chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác một cách lâu dài.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới và Nga đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu sau khi châu Âu từ chối nguồn cung cấp dầu từ Nga sau khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Quốc gia châu Á tăng nhập khẩu dầu thô của Nga gấp 16 lần so với mức trước xung đột. Dầu thô của Nga chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu của nước này.
Top 5 quốc gia tăng nhập khẩu dầu từ Nga.
Sau các lệnh trừng phạt, các khách hàng Ấn Độ đã thanh toán cho hầu hết dầu của Nga bằng các đồng tiền khác thay vì đồng đô la, bao gồm cả đồng dirham của UAE và gần đây là đồng rúp Nga. Theo một số nguồn tin từ Reuters, các giao dịch dầu mỏ trong 3 tháng qua có tổng trị giá tương đương vài trăm triệu USD.
Một số công ty kinh doanh hàng hóa có trụ sở tại Dubai và các công ty năng lượng Nga Gazprom và Rosneft đang tìm kiếm các khoản thanh toán không dùng đồng đô la cho một số loại dầu nhất định của Nga mà trong những tuần gần đây đã được bán trên mức giá trần 60 USD/thùng.
Doanh số bán hàng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số bán hàng của Nga sang Ấn Độ và dường như không vi phạm các biện pháp trừng phạt mà các quan chức và nhà phân tích Mỹ dự đoán.
Các công ty lọc dầu Ấn Độ cho rằng các nhà cung cấp của Nga sẽ tìm một số ngân hàng khác để nhận thanh toán. Chính phủ không yêu cầu ngừng mua dầu của Nga, vì vậy họ hy vọng rằng một cơ chế thanh toán thay thế sẽ được tìm thấy trong trường hợp hệ thống hiện tại bị chặn.
Quốc gia thân thiện và không thân thiện
Thanh toán tiền mua dầu bằng đô la đã trở thành thông lệ gần như phổ biến trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên theo số liệu tháng 1 từ hệ thống thanh toán SWIFT, tỷ lệ thanh toán quốc tế tổng thể của đồng tiền này đã nhỏ hơn nhiều và chỉ ở mức 40%.
Daniel Ahn, cựu nhà kinh tế trưởng tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sức mạnh của đồng đô la là vô song, nhưng các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của phương Tây trong khi không đạt được mục tiêu.
Mặt khác, Nga cũng cho biết họ sẽ tìm cách nhận thanh toán dầu bằng đồng tiền của các quốc gia "thân thiện" và đã yêu cầu các quốc gia EU "không thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
"Nga rất cần giao dịch với phần còn lại của thế giới vì nước này vẫn phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt nên họ đang thử mọi lựa chọn mà họ có. Họ đang làm việc để xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp giữa hệ thống ngân hàng Nga và Ấn Độ", Alexandra Prokopenko, nhà phân tích độc lập và cựu cố vấn tại Ngân hàng trung ương Nga cho biết.
Trong khi đó, ngân hàng cho vay lớn nhất của Ấn Độ có tài khoản ngoại tệ ở Nga. Tương tự, nhiều ngân hàng từ Nga đã mở tài khoản với các ngân hàng Ấn Độ để tạo thuận lợi cho thương mại.
Phó Giám đốc điều hành IMF Gita Gopinath cho biết rằng, các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể làm xói mòn sự thống trị của đồng đô la bằng cách khuyến khích các khối thương mại nhỏ hơn sử dụng các loại tiền tệ khác.
"Đồng đô la sẽ vẫn là đồng tiền chính toàn cầu ngay cả trong bối cảnh đó, nhưng sự phân mảnh ở mức độ nhỏ hơn chắc chắn là có thể xảy ra", bà cho biết.
Ngoài Nga, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng đang làm xói mòn các tiêu chuẩn lâu đời về thương mại toàn cầu do đồng đô la thống trị.
Nga nắm giữ một phần dự trữ tiền tệ bằng đồng nhân dân tệ trong khi Trung Quốc đã giảm nắm giữ đô la, và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vào tháng 9 rằng, Nga đã đồng ý bán nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ và rúp thay vì đô la.
Tham khảo: Reuters