Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng trở nên bùng nổ ở hầu hết các thành phố biển. Sự bùng nổ đó gắn với dòng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD từ những “ông lớn” địa ốc mà khởi nguồn là Tập đoàn Vingroup với phân khúc biệt thự biển và condotel tại Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng với chính sách cam kết lợi nhuận ổn định 9%/năm trong 10 năm đối với các nhà đầu tư.
Vinpearl Condotel Nha Trang
Làn sóng đầu tư này sau đó lan rộng với sự tham gia của rất nhiều đại gia bất động sản như FLC Group, Sungroup, CEO Group, BIM Group,…dòng tiền đầu tư đổ mạnh vào Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc và khái niệm thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng trở nên phổ biến, có tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, Mũi Né – Phan Thiết lại không nằm trong làn sóng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng trong những năm qua, mặc dù nơi đây từng được xem là “thủ đô resort” Việt Nam. Thống kê sơ bộ, cho thấy trải dài hơn 40km đường bờ biển từ Mũi Né đến Phan Thiết rồi Tiến Thành có trên 100 resort lớn, nhỏ đang hoạt động.
Có thể kể tới những cái tên như The Cliff Resort & Recidences, Romana Resort, Phú Hải Resort, Ocean Star Resort, Coco Beach Resort, Victoria Resort, Palmira Resort, Sea Horse Resort, Bamboo Village Resort, Ananttara Resort, Terracotta Resort, Sunny Beach Resort, MuineBay Resort, The Beach Resort, Malibu Resort, Pandanus Resort...
Bình Thuận có rất nhiều lợi thế với bờ biển dài 192km. Phía Đông là biển, có nhiều cù lao gần bờ, có gành đá, mũi đá đẹp và những thắng cảnh tự nhiên hấp dẫn như: Gành Son, Giếng Tiên, rừng dừa bãi Rạng, Hòn Rơm…Ngoài ra, Bình Thuận còn có đảo Phú Quý được mệnh danh là “hòn ngọc giữa biển khơi”.
Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận xác định du lịch là một trong những ngành mũi nhọn mang tính đột phá của địa phương. Bằng việc khai thác các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn,…Bình Thuận cũng đang là nơi thu hút khách du lịch. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp hơn nhiều so với cả nước.
Theo Sở du lịch Bình Thuận, trong nửa đầu năm 2018, Bình Thuận đón khoảng 2,6 triệu lượt khách (tăng 11.64% so với cùng kỳ năm 2017), khách quốc tế đạt gần 335 nghìn lượt, tăng 13.91% so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa khoảng 2,8 triệu lượt khách, tăng 11.3% so với cùng kỳ. Trong khi tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cả nước trung bình là 29%.
Đây là những cơ hội mở ra thời kỳ mới cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Mũi Né – Phan Thiết lấy lại vị thế của mình.
Nguồn: Sở du lịch tỉnh Bình Thuận
Trong một hội thảo về “thị trường bất động sản nghỉ dưỡng” tổ chức tại TP.HCM mới đây, nhiều chuyên gia đã chia sẻ bức tranh tăng trưởng ấn tượng của thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Theo đánh giá của các chuyên gia thời gian tới những thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng mới nổi sẽ là tâm điểm của thị trường, trong đó có Phan Thiết – Mũi Né.
Phân tích thị trường Mũi Né - Phan Thiết, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận xét đây là khu vực phát triển BĐS nghỉ dưỡng từ rất sớm, nhưng bị rơi vào tình trạng “ngủ đông” do kết nối hạ tầng hạn chế. Những thông tin lạc quan về cơ sở hạ tầng giúp thị trường BĐS Phan Thiết bắt đầu sôi động, lấy lại vị trí “thủ đô resort” của Việt Nam.
Có thể thấy, hiện nay đa phần các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch trải dọc hơn 3.000km bờ biển Việt Nam đều chưa có cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ và lượng cơ sở lưu trú chất lượng cao (phòng khách sạn 4-5 sao) còn hạn chế. Vì thế dư địa phát triển ở những thị trường này là rất lớn, trong khi các “điểm nóng” như Nha Trang, Đà Nẵng lại đang bão hòa. Đây là 2 yếu tố chính khiến các “ông lớn” địa ốc nhảy vào thị trường này, xem đó là một cơ hội lớn.
Chẳng hạn, Bình Thuận có gần 2000km bờ biển, đứng thứ 4 trong các thành phố biển Việt Nam nhưng lại mới chỉ có khoảng 3.000 phòng khách sạn 4-5 sao. Một con số rất khiêm tốn so với Khánh Hòa (khoảng 12.000), Quảng Ninh (khoảng 6.000), Đà Nẵng (17.500 phòng 3- 5 sao)…
Trong khi đó, dòng khách du lịch lại đang đổ mạnh về Mũi Né - Phan Thiết, đặc biệt là khách Nga. Theo Tập đoàn Crystal Bay - đơn vị đang quản lý vận hành The Sailing Bay Beach Resor (Mũi Né), hàng năm tập đoàn này đưa khoảng hơn 300.000 khách Nga tới Nha Trang (trong tổng số 500.000 khách Nga tới Nha Trang) với khoảng 1.300 chuyến bay charter của Crystal Bay hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, từ đó đổ về sử dụng các phòng khách sạn 3-5 sao tại Nha Trang và Phan Thiết.
Gần đây, nhiều tập đoàn BĐS lớn đã tìm đến Phan Thiết – Mũi Né để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hồi đầu tháng 3/2018, FLC đã có buổi làm việc đề xuất với tỉnh Bình Thuận đầu tư dự án Quần thể du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình. Tuy nhiên, do vị trí đề xuất của FLC trùng với nhiều dự án khác đã được cấp phép chủ trương đầu tư, nên tập đoàn này phải chọn địa điểm khác.
Hay mới đây, Tập đoàn Novaland cũng bất ngờ ra mắt dự án Nova Hill Mũi Né, một trong những dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tiếp theo được nhà phát triển BĐS này công bố trong chiến lược lấn sân sang BĐS nghỉ dưỡng của mình. Nova Hill Mũi Né có quy mô khoảng 40ha, nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Tiên, Phan Thiết với quy mô hơn 600 căn biệt thự từ 200m2 đến 400m2, cùng hệ thống tiện ích khác như hồ bơi, BBQ, bãi tắm, khu vui chơi…dự kiến hoàn thành năm 2020.
Nova Hill Mũi Né
Nhiều đại gia BĐS khác cũng đang đổ bộ vào Phan Thiết. Đơn cử như Rạng Đông bắt tay với Công Ty Cổ Phần Green Real đầu tư dự án Ocean Dunes, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ, gồm hơn 1500 nhà phố và khoảng 5000 căn hộ; Hưng Thịnh nhập cuộc chơi bằng dự án Sentosa Villa, Công ty Toàn Thịnh Phát với dự án Pegasus,....
Nhiều dự án quy mô hàng trăm triệu USD cũng được đăng ký đầu tư như Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến – Mũi Né trên diện tích gần 200 héc ta tại phường Hàm Tiến vốn đầu tư ước khoảng 200 triệu đô la Mỹ; dự án khu du lịch cao cấp Hòn Rơm – Mũi Né diện tích gần 86 héc ta tại phường Mũi Né với số vốn dự kiến 92 triệu đô la Mỹ.
Nhiều tin vui về đầu tư hạ tầng nhằm kết nối Phan Thiết như sân bay Phan Thiết rục rịch đầu tư mở rộng với tổng vốn đầu tư khoảng 5.600 tỷ, dự kiến hoạt động vào 2022; tháng 2 hồi đầu năm 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 113km và tuyến Phan Thiết - Dầu Giây dài 98km chính thức khởi động với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng…
Điều này là cú hích cho du lịch và BĐS nghỉ dưỡng Phan Thiết cất cánh. Đây cũng là cơ hội, lý do khiến BĐS nghỉ dưỡng Mũi Né – Phan Thiết bừng tỉnh giấc, bắt đầu bước vào một giai đoạn mới.