Lãi suất của Mỹ được đẩy lên mức cao sẽ kéo dòng tiền ra khỏi các nền kinh tế mới nổi?
Kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, kéo theo đó là sự trỗi dậy trở lại của đồng USD. Tuy nhiên, điều này đặt ra những quan ngại về tác động đối với các nền kinh tế mới nổi, vốn đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của làn sóng đại dịch Covid-19 mới đây.
Trên thực tế, vị thế của đồng USD từng bị đe doạ đáng kể sau khi Mỹ công bố các biện pháp nới lỏng nhằm vực dậy nền kinh tế đang khủng hoảng do đại dịch, khiến tỷ lệ nợ tăng mạnh. Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ đầu năm nay.
Quý 2/2021, Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể, ở mức 6,5%. Kết quả này nhờ 2 yếu tố chính là tiêu dùng cá nhân và chi tiêu vốn tư nhân thúc đẩy. Mặc dù nguy cơ về làn sóng Covid-19 mới vẫn tồn tại, song đến nay, các chỉ số kinh tế nhìn chung khá ổn định.
Đáng chú ý, chỉ số tỷ giá hối đoái cân bằng Nikkei (Nikkei EER) của Nikkei Asia và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, được tính toán dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản của một quốc gia như nợ chính phủ và số dư tài khoản vãng lai, đang cho thấy xu hướng tăng giá của đồng USD.
Theo thước đo của Nikkei EER, giá trị trên lý thuyết của đồng USD được ghi nhận ở mức 113 yen đổi lấy 1 USD trong giai đoạn quý 4/2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Cùng kỳ năm 2020, chỉ số này giảm xuống còn 99 yen/USD, sau khi Mỹ quyết định tung ra các gói chi tiêu tài chính lớn.
Hiện tại, tỷ giá quy đổi (theo Nikkei EER) đang là 109 yen Nhật đổi 1 USD, tăng từ mức 103 yen đổi 1 USD được ghi nhận hồi đầu năm nay. Chỉ số này cũng đang tăng mạnh so với đồng euro và đồng nội tệ của Indonesia, Malaysia cùng các nền kinh tế mới nổi khác.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, động thái sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của đồng USD. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) dự kiến lãi suất sẽ bắt đầu tăng vào năm 2023, thay vì sau năm 2024 như dự báo trước đó.
Tương tự, chuyên gia Mari Iwashita của ngân hàng đầu tư Daiwa Securities khẳng định: "Môi trường lãi suất dài hạn của Mỹ đang chịu áp lực gia tăng mạnh mẽ". Ông Mari Iwashita cũng dự báo đồng USD sẽ chịu áp lực đi lên tương tự.
Điều này gây ra một vấn đề đáng lo ngại, chính là nguy cơ đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi sẽ "chuyển động" ngược chiều với sự "trỗi dậy" của đồng USD. Sau cuộc họp của FOMC vào tháng 6/2021, với những thông báo "đánh tiếng" về việc tăng lãi suất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ của Brazil và Nam Phi đã nhanh chóng lao dốc so với đồng bạc xanh.
Chuyên gia Minoru Uchida thuộc ngân hàng MUFG (Nhật Bản) cho hay: "Nhiều nhà đầu tư đang dần chuyển hướng khỏi các đồng tiền tệ mới nổi do lo ngại về ảnh hưởng từ việc Mỹ tăng lãi suất". Việc lãi suất của Mỹ được đẩy lên một mức cao sẽ thu hút nguồn vốn đổ về đây và kéo dòng tiền ra khỏi các nền kinh tế mới nổi.
Chuyển động 'ngược chiều'
Những biến động tích cực về tỷ giá hối đoái của đồng USD phần lớn đến từ việc GDP của Mỹ tăng nhanh chóng. Khi đồng USD tăng giá so với những đồng tiền khác trên thế giới, thì hoạt động xuất khẩu và tỷ giá VND cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Đặc biệt, do sự gắn kết giữa VND và đồng USD đang mạnh lên, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang những thị trường lớn (trừ Mỹ) và có đồng bản tệ giảm giá, sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bản thân nước Mỹ cũng đã cải thiện cơ cấu kinh tế nhằm duy trì khả năng chống chọi trong môi trường giá năng lượng ở mức cao, một phần bằng cách tăng cường sản xuất dầu đá phiến để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong năm 2020, Mỹ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhiều hơn nhập khẩu.
Để đánh giá xu hướng tiếp theo của đồng USD, xu hướng kinh tế được cho là chìa khóa. Đồng USD có thể sụt giảm nếu sự phục hồi kinh tế của Mỹ suy yếu. Tuy nhiên, các loại tiền tệ khác có thể bị rơi vào tình trạng "khó khăn" hơn.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Brazil năm 2021 sẽ tăng trưởng 4,5% và Nga là 3,2%, đều thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến là 5,6%. Trong khi đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,6% năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước ASEAN.
Các chuyên gia nêu rõ, tình hình có thể sẽ được cải thiện khi ngân hàng trung ương của một số thị trường mới nổi vừa đưa ra quyết định tăng lãi suất nhằm ngăn chặn dòng tiền ồ ạt chảy ra ngoài và lạm phát gia tăng.
Tại Việt Nam, vừa qua Công ty chứng khoán VCBS dự báo trong năm nay, VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với đồng USD với mức biến động không quá 2%. VCBS cho biết, NHNN bằng các biện pháp đối thoại và làm việc song phương có thể thu xếp để đưa Việt Nam tránh khỏi các rủi ro liên quan đến các cáo buộc thao túng tiền tệ.
"Khi các nỗ lực làm việc song phương với Mỹ đã cho thấy hiệu quả, NHNN đã tiếp tục có những điều chỉnh hợp lý đối với tỷ giá. Điều này sẽ có tác động tích cực trực tiếp lên thị trường trái phiếu thông qua lượng thanh khoản dồi dào từ hệ thống ngân hàng, còn thị trường cổ phiếu sẽ được hưởng lợi một cách gián tiếp".
Một mối lo ngại khác chính là các biến thể của virus SARS-CoV-2. Từ đầu tháng 7, số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục lập kỷ lục tại Thái Lan. Hay như Indonesia cũng đang chịu "áp lực kép" từ sự tăng giá của đồng USD và làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế mới nổi có các khoản nợ bằng đồng USD sẽ phải đối mặt với gánh nặng trả nợ lớn hơn nếu không kiềm chế được sự lây nhiễm đủ nhanh và nếu đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá.