Trước sự trỗi dậy của các đồng tiền mã hóa cùng xu hướng số hóa giao dịch tài chính, ngân hàng trung ương ở một số quốc gia đã tính đến chuyện phát hành đồng tiền số của riêng mình. Chính phủ các nước cũng đặt ra bài toán về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa cũng như việc ứng xử với tiền số. Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách vẫn rất thận trọng để có những bước đi phù hợp.
Hiện tại, ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Bitcoin - đồng tiền số có giá trị nhất thế giới - đã từng chạm mức cao kỷ lục hơn 60.000 USD cách đây vài tuần, nâng tổng vốn hóa thị trường lên hơn 1.000 tỷ USD trước khi sụt giảm hơn 30% tính tới thời điểm hiện tại do tác động của hàng loạt thông tin tiêu cực như chính sách siết chặt quản lý giao dịch tiền số của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cũng như công bố của Tesla về tạm ngừng thanh toán mua xe điện bằng Bitcoin.
Tuy vậy, sức mạnh của các đồng tiền số đang ngày càng được củng cố khiến các ngân hàng trung ương đã có những động thái để giành lại vị thế của mình trong kỷ nguyên số, và một trong số đó là phát hành tiền kỹ thuật số riêng, gọi là tiền điện tử của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC).
Sức hấp dẫn của CBDC
Theo đánh giá trên trang International Policy Digest, CBDC được kỳ vọng có thể giúp làm suôn sẻ thương mại xuyên biên giới, cho phép các quốc gia làm việc trên các tiêu chuẩn dữ liệu và hệ thống cấu hình đã đặt ra, giúp việc chuyển tiền qua biên giới dễ dàng hơn. Mã thông báo kỹ thuật số với các quy trình thiết lập thuận tiện hơn nhiều so với tiền mặt hoặc các phương tiện thông thường khác. Theo đó, sự ra đời của lĩnh vực số hóa có thể mang lại nhiều kết quả tích cực khác nhau, song, cũng tiềm ẩn những tác động tiêu cực nhất định, cũng như các rủi ro về tấn công bằng phần mềm độc hại, gian lận...
Tiền số được kỳ vọng là phương tiện của tương lai. (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều quốc gia đã chọn áp dụng CBDC hoặc đang tiến hành nghiên cứu sâu rộng trong lĩnh vực này. Những người ủng hộ tiền số lập luận rằng CBDC là con đường để đảm bảo sự toàn diện và ổn định về tài chính. Họ coi đây là một phương tiện giúp gia tăng thương mại và thúc đẩy khả năng tiếp cận các cơ sở ngân hàng. CBDC tạo ra một nền kinh tế không dùng tiền mặt với các phương tiện dễ sử dụng. Hầu hết các quốc gia phát triển như Phần Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh phần lớn không dùng tiền mặt, trong khi các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ cũng đang dần giảm sự chú trọng vào hệ thống dựa trên tiền mặt.
Quần đảo Bahamas là quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố phát hành CBDC. Trung Quốc cũng đang thí điểm CBDC bằng cách phát tặng ngẫu nhiên cho người dân ở một số thành phố lớn. Những người này có thể sử dụng đồng tiền đó, thông qua ứng dụng (app) chuyên biệt, để thanh toán mua hàng ở một số nơi được chỉ định.
Ở Vương quốc Anh, hồi 4 vừa qua, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính đã tuyên bố thành lập tổ công tác nghiên cứu về CBDC. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến đến năm 2025 sẽ phát hành CBDC của riêng mình.
Các cơ quan tài chính Mỹ cũng đang chuẩn bị đóng một vai trò tích cực hơn trong quy định về thị trường tiền điện tử. Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, Michael Hsu, Giám đốc Văn phòng Tổng Kiểm toán tiền tệ (OCC) cho biết, ông hy vọng các cơ quan chức năng của Mỹ sẽ làm việc cùng nhau để thiết lập "ranh giới quy định" cho tiền điện tử.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cũng đã thảo luận về cách bảo vệ các nhà đầu tư trong thị trường tiền số.
Việc phát hành CBDC là động thái để các ngân hàng trung ương giành lại vị thế của mình trong kỷ nguyên số. CBDC, vốn tồn tại trong không gian số, có thể được phổ biến rộng khắp đến tay người dân mà không phải chịu sự hạn chế của tiền mặt truyền thống và các ngân hàng thương mại. Khi sử dụng CBDC, người dân là khách hàng trực tiếp của ngân hàng trung ương mà không phải qua bất cứ trung gian nào.
Việt Nam thận trọng với tiền số
Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn đang rất thận trọng với các loại tiền mã hóa, kể cả với CBDC. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về việc "Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử". Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao làm đầu mối rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành khác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo cũng như biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan tới tài sản ảo, tiền ảo.
NHNN cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử cũng như phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tiền ảo là sản phẩm ảo được mã hóa, không phải tiền pháp lệnh hay phương tiện thanh toán, pháp luật không cho phép sử dụng có chức năng như đồng tiền pháp lệnh hiện nay.
"Việc đầu tư tiền ảo hiện nay có nhiều vấn đề đã được đánh giá. Các cơ quan chức năng đang làm rõ vấn đề quản lý cơ sở pháp lý và kinh doanh tiền ảo", ông Tú nêu rõ./.