Việt Nam xuất siêu trong 8 tháng
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 336,56 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Nguồn: GSO, IVS
Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS), tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 13,9%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu từ nước ngoài, là 4,6%. Tỷ trọng khu vực kinh tế trong nước cũng có xu hướng tăng lên, chiếm 30, 6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2018 là 28.8%).
Tính chung, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 8 xuất siêu 1,7 tỷ USD. Con số này tương đương với giá trị xuất siêu của 7 tháng năm 2019. Kết quả này nhờ đóng góp của nhóm hàng điện thoại và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Số liệu nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh
Số liệu từ tổng cục Thống kê cho thấy nhập siêu từ Trung Quốc 8 tháng đầu năm đạt 25,4 tỷ USD, tăng 47,5%.
Lý giải cho sự tăng vọt này, IVS đưa ra 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, đồng NDT mất giá so với VNĐ khiến hàng hóa từ Trung Quốc rẻ đi tương đối trong quá trình giao thương với Việt Nam. Thời gian vừa qua, thị trường đã ghi nhận đồng NDT giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, đồng tiền này đã để mất ngưỡng quan trọng 7 NDT đổi 1 USD. NDT cũng được dự đoán tiếp tục yếu dần đi trong năm 2020.
Thứ hai, IVS cho rằng có một sự trùng khớp đáng chú ý chính là nhóm các hàng xuất khẩu chủ lực, đạt tốc độ tăng trưởng mạnh sang thị trường Mỹ lại chính là những mặt hàng gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bởi vậy, IVS cho rằng đây có thể là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến cán cân thương mại Việt- Trung có sự biến động theo hướng tăng nhập siêu từ Trung Quốc trong suốt thời gian qua dưới ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ Trung.
Tình trạng này cũng đồng thời là nỗi lo của nhiều nước ASEAN khác, đặc biệt là Malaysia và Philippines. Tiến hành so sánh biến động xuất khẩu của các nhóm ngành hàng của Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á cũng ghi nhận xu hướng tăng đột biến các mặt hàng bị Hoa Kỳ đánh thuế.
Thứ ba là dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào Việt Nam do lo sợ hệ quả xung đột thương mại Mỹ - Trung. Giới kinh doanh, các tập đoàn quốc tế lớn, thậm chí cả doanh nghiệp nội địa Trung Quốc cũng quyết định rời bỏ thị trường tỷ dân để chuyển sản xuất sang Việt Nam. Yếu tố này thúc đẩy việc tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị đầu tư sản xuất.