Phòng họp 300 người ở khách sạn Hilton sáng nay kín không còn một chỗ trống. Điều này gây bất ngờ với chính ban tổ chức của Tập đoàn Hòa Phát vì đây là lần đầu tiên Tập đoàn này chuyển việc tổ chức đại hội cổ đông từ trụ sở “cây nhà lá vườn” ra khách sạn 5 sao. Số ghế đã tăng gấp rưỡi so với các năm trước song khán phòng vẫn kín chỗ, thậm chí có cổ đông phải đứng.
Chỉ trong 3 năm, Hòa Phát đã tăng trưởng rất nhanh cả về quy mô và lợi nhuận: vốn điều lệ tăng hơn gấp đôi từ 7.000 tỷ lên 15.000 tỷ, doanh thu tăng từ 27.000 tỷ lên 46.000 tỷ, lợi nhuận tăng 2,6 lần từ 3.500 tỷ lên trên 8.000 tỷ, cổ đông của Hòa Phát vì thế cũng đã “nở” theo tương ứng.
Một điểm nữa kéo cổ đông đi đại hội Hòa Phát năm nay, là chủ tịch Trần Đình Long mới lọt vào danh sách tỷ phú đô la của Forbes, và sức ảnh hưởng của thông tin này cũng gây bất ngờ với chính bản thân ‘vua thép’. “Tôi không ngờ mọi người lại quan tâm đến thông tin này nhiều như vậy, có rất nhiều người chúc mừng, và cổ đông Hòa Phát có khi phải thưởng riêng cho tôi vì qua đó mọi người biết đến thương hiệu Hòa Phát rất nhiều”, ông Long hóm hỉnh chia sẻ với cổ đông trong giờ giải lao.
Với tổng tài sản ước tính khoảng 1,3 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam có một người làm trong ngành công nghiệp được lọt top người giàu của thế giới. Vậy nhưng, con số lương thưởng cho ban điều hành lại dậy sóng truyền thông những ngày qua.
Năm 2017, Hòa Phát ra nghị quyết trả thù lao HĐQT 80 tỷ đồng và thưởng ban điều hành 101 tỷ đồng, đúng như nghị quyết đã được thông qua ở đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, về việc trích lập 1% LNST để trả thù lao HĐQT và 5% phần vượt kế hoạch cho ban điều hành. Như vậy, mỗi thành viên HĐQT của Hòa Phát bình quân sẽ nhận được gần 9 tỷ đồng tiền thù lao trong năm 2017. Tuy nhiên với khoản thưởng Ban lãnh đạo 101 tỷ đồng, không chỉ chia cho ban giám đốc 3 người mà thưởng đến ban giám đốc các công ty con và trưởng phó phòng lên tới 50,60 người. Ông Long hào hứng chia sẻ, năm nay là năm đầu tiên Hòa Phát sẽ cho cả gia đình từ trưởng phó phòng trở lên đi Châu Âu một chuyến, khoảng 400-500 người.
Trong khi đó, năm nay mặc dù lãi sau thuế hơn 8.000 tỷ song Hòa Phát không trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi, năm ngoái tập đoàn này trích lập 5% LNST, tương đương 330 tỷ cho quỹ và công ty “tiêu không hết”, nên năm nay công ty lấy ngân sách cũ để tiêu, ông Long cho rằng “làm thế này cổ đông rất được lợi”.
Trích lập các quỹ 3 năm qua của HPG, năm nay không trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi
Trên thị trường có tin đồn lương của người Hòa Phát không cao. Nếu theo số liệu trên báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của Hòa Phát, lương bình quân của nhân viên nhà máy khoảng 8 triệu đồng/tháng. Ông Long thừa nhận: “Đúng là lương HPG không cao so với mặt bằng chung của thị trường. Hiện nay công ty đang cân nhắc thay đổi, để phù hợp với tình hình hiện tại”.
Hiện tại, Hòa Phát đang chạy dưới sự điều hành của thế hệ lãnh đạo đời F2 của tập đoàn, ông Long, ông Dương (tổng giám đốc Trần Tuấn Dương) hiện điều hành về mặt chủ trương và tập trung toàn lực cho dự án Dung Quất, dự án mà theo ông Long sẽ đưa Hòa Phát từ “người cao 1m7 lên 3m4”, lọt top 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Hòa Phát vẫn đang đào tạo thế hệ lãnh đạo F3, mà con trai ông Long cũng là một trong số đó.
Tự tin sẽ tiêu thụ hết thép Dung Quất, có ý định mở rộng gấp đôi công suất
Thời điểm hiện tại tròn 1 năm dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất được Chính phủ cấp phép, trong bối cảnh thị trường vẫn còn đang sôi sục trước scandal môi trường của Formosa. Chỉ trong vòng 1 năm, Hòa Phát đẩy mạnh triển khai và dự kiến quý 3 năm nay dây chuyền cán thép giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động. Ông Long tự nhận Hòa Phát giống xe lu, cứ đi là tới, nhưng với Dung Quất, Hòa Phát đang tiến với tốc độ tên lửa bởi trước đó, nhà đầu tư Đài Loan đã phải tháo chạy sau 10 năm nhận dự án mà không thể triển khai. Công việc của khu liên hợp gang thép Dung Quất là khổng lồ, vì ngoài việc lắp đặt nhà máy thép, Hòa Phát còn phải xây cảng, nhà máy nước, nhà máy điện để tạo thành một tổ hợp khép kín với suất đầu tư chỉ bằng 1/3 của Formosa.
Đại hội năm nay thấy sự tự tin hiện rõ của ban lãnh đạo Hòa Phát. Không dưới 3 lần ông Trần Tuấn Dương khẳng định trước cổ đông Hòa Phát đủ sức cạnh tranh với Formosa, đủ sức cạnh tranh với thép Trung Quốc và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh áp thuế của Mỹ. "Chắc chắn ra đến đâu hết đến đấy, không phải lo" là câu trả lời của Tổng giám đốc Hoà Phát về tình hình tiêu thụ thép của Dung Quất. Thậm chí, tùy điều kiện thị trường, Hòa Phát xin Chính phủ tiếp tục mở rộng gấp đôi công suất của Dung Quất, và đưa tập đoàn này vượt Formosa trở thành trung tâm thép của khu vực và thế giới.
Hiện tại không đủ thép để bán, Hoà Phát đã từng nghĩ đến việc gia công thép ở các nhà máy khác nhưng họ không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và chi phí cán thép tại các công ty khác rất cao.
Tất nhiên, không phải mọi thứ đều bẳng phẳng. Giá thép Việt Nam tiệm cận rất sát với giá thép thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng nhắc đến mối lo ngại cung vượt cầu, ông Long cho rằng ban lãnh đạo Hòa Phát hoạch định kế hoạch tương đối cẩn thận, và chắc chắn. “Giá thép là chuyện của giá, còn về lượng tiêu thụ của mình thì mình sẽ kiểm soát, có những phương pháp để đảm bảo”.
Đối với rủi ro giá nguyên liệu, ông Trần Tuấn Dương chia sẻ, việc giá quặng, giá than tăng ảnh hưởng xấu đến Hòa Phát hay khi giá nguyên vật liệu giảm Hòa Phát được lợi...là không chính xác. Hòa Phát là người làm ra chi phí tốt nhất. Cùng một mức giá nguyên liệu, Hòa Phát quản lý chi phí tốt hơn các đối thủ, khi giá nguyên vật liệu cao, giá bán trên thị trường cao biên lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tốt hơn. Năm ngoái, riêng tiền hedging quặng mang về 700 tỷ lợi nhuận cho Tập đoàn này. Việc mua nguyên vật liệu cao Hoà Phát cũng không bị lỗ!
Nếu theo đúng kế hoạch và tình hình thị trường hiện tại thì đến năm 2020, Dung Quất sẽ bắt đầu có lãi. "Tuy nhiên, đây chỉ là phỏng đoán dựa trên cơ sở hiện nay, chứ tương lai chưa thể nói trước", ông Long chia sẻ. Về định hướng tiêu thụ, chủ trương của Hòa Phát tập trung thị trường trong nước và không ưu tiên xuất khẩu cho đến nay vẫn cho thấy sự đúng đắn.
Ban lãnh đạo dự tính, 15 năm tới nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hiện tại. Ông Trần Tuấn Dương cho rằng lợi nhuận của Tập đoàn ngoài 2020, sau khi dự án Dung Quất đi vào ổn định sẽ đạt "mười mấy ngàn tỷ" mỗi năm. Khi hỏi về triển vọng giá cổ phiếu, ông Dương cho rằng "tôi rất ít khi đoán giá cổ phiếu vì thời gian còn phải đi đoán giá quặng, giá than"!