Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 /2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã chính thức được thông qua ngày 24/6.
Theo đó, khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 đã được sửa đổi, nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp lên 30% lợi nhuận trước thuế, chưa tính lãi vay và khấu hao (chỉ số Ebitda), thay vì 20% Ebitda như hiện tại.
Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
Với phần chi phí lãi vay không được trừ, doanh nghiệp sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Đáng chú ý, nghị định sửa đổi được áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đồng thời cho phép hồi tố áp dụng cho kỳ tính thuế 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và áp dụng cách tính chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay cho trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay).
Cụ thể, người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 1/1/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).
Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
Trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền đã thanh tra, kiểm tra và có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế, người nộp thuế đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp. Căn cứ vào đề nghị của người nộp thuế và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch theo quy định.
Việc xác định lại số thuế phải nộp được thực hiện tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, không thực hiện thanh tra, kiểm tra lại tại trụ sở người nộp thuế, không thực hiện điều chỉnh lại kết luận và quyết định thanh tra năm 2017 - 2018. Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.
Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 cho thấy những kiến nghị của giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về việc sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định 20 đã được Chính phủ và Bộ Tài chính đã lắng nghe và giải quyết thấu đáo.
Theo đó, mặc dù mang lại nhiều ý nghĩa tích cực trong việc chống chuyển giá, trốn thuế đối với các công ty nước ngoài, song quy định tại điều khoản về việc khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp lại đã gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi của nghị định này là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Theo đó, Khoản 3 Điều 8 của nghị định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Điều này có nghĩa, nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá mức trần sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Trong khi đó, mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là những lĩnh vực đặc thù, cần nguồn vốn lớn như bất động sản. Áp dụng theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được trừ toàn bộ khi tính thuế như các doanh nghiệp khác, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế.
Bên cạnh đó, chỉ riêng tiền thuế nộp trong hai năm 2017 và 2018 của các doanh nghiệp đã đến gần 5.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí từ lãi chuyển sang lỗ vì tiền thuế quá lớn.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai quy định hồi tố sẽ giúp khôi phục lại những lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp cho kỳ tính thuế năm 2017 - 2018.
Sau những ý kiến phản biện, Bộ Tài chính đã tiếp thu sửa đổi Nghị định 20, nâng trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, bộ này vẫn không đồng ý hồi tố các khoản đã thu từ 2017 - 2018.
Phải đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP được chính thức thông qua, việc hồi tố khoản tiền thuế đã thu được của doanh nghiệp từ 2017 - 2018 mới được thực hiện. Đây được xem như tin vui cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.