Quy định phù hợp đã phải sửa và việc hoàn trả lại tiền cho DN có đủ cơ sở pháp lý cho phép, có đề xuất giải pháp hợp lý nhận sự đồng thuận của các thành viên Chính phủ, nhưng vẫn chưa được Bộ Tài chính thông qua.
Không cho hồi tố, Bộ Tài chính nêu lý do
Trong tháng 3, Bộ Tài chính đã liên tiếp có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình việc sửa đổi Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20). Trong đó, Bộ đồng ý “cởi trói” cho DN với đề xuất nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như hiện tại – quy định được cho là đã “đánh nhầm đối tượng”. Hậu quả là, các doanh nghiệp đã phải nộp hàng nghìn tỷ đồng.
Việc cởi trói cho doanh nghiệp trong văn bản của Bộ Tài chính với mức trần mới bởi thế được cộng đồng đánh giá rất cao.
Tuy vậy, dù đồng ý nâng trần chi phí lãi vay nhưng Bộ Tài chính vẫn cương quyết bảo lưu ý kiến không cho hồi tố khoản thuế liên quan cho năm 2017 và 2018, mặc dù ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý quy định hồi tố khi được Bộ xin ý kiến.
Có nhiều lý do được Bộ này đưa ra, mà theo các chuyên gia là chưa phù hợp. Đầu tiên, Bộ Tài chính không ủng hộ hồi tố bởi lo lắng, nếu hồi tố sẽ không có nguồn hoàn trả số tiền 4.875 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc này không hề phức tạp vì có thể bù trừ vào thuế của các DN trong các năm tới. Trong trường hợp này, số tiền thuế đã nộp có thể được hiểu là “số tiền thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số tiền thuế doanh nghiệp bị tính thừa” nên có thể vận dụng các điều quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cũng bày tỏ đồng tình với giải pháp này. Theo ông, việc khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm sẽ giúp ngân sách không cần bố trí ngay một khoản hàng nghìn tỷ, không cần quyết toán lại ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi ích chính đáng. Như vậy, trong câu chuyện này, việc hồi tố sẽ hoàn toàn không tạo áp lực lên ngân sách.
Thứ 2,khi Bộ Tài chính e ngại trong trường hợp hồi tố, đối tượng được hoàn thuế lên đến hàng trăm doanh nghiệp có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp, không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, hàng năm, các doanh nghiệp kê khai thuế rất rõ ràng, cán bộ thuế căn cứ theo tờ khai để quản lý việc thu thuế. “Lý do BTC đưa ra như vậy không đúng vì cán bộ thuế có trách nhiệm phân xử cuối cùng. Nếu ngành thuế làm đúng trách nhiệm quản lý, minh bạch, hoàn toàn không thể xảy ra việc xin – cho và lợi ích nhóm”, vị này nói
Nắm đủ số liệu, Bộ Tài chính vẫn là người “nắm đằng chuôi” để quản lý hiệu quả cơ chế này nên không thể có chuyện xin cho như lo ngại. Đây chỉ là vấn đề con người và sổ sách.
Đã sửa thì sửa tận gốc
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, nếu đã xác định đây là quy định bất hợp lý thì cần phải cho hồi tố để thể hiện trách nhiệm sửa sai đến cùng của cơ quan quản lý.
Mặt khác, việc hối tố là đầy đủ cơ sở pháp lý bởi điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 có nhắc tới việc, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức nhân, văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).
Điều này hoàn toàn trùng khớp với những gì đang diễn ra. Việc hồi tố ở đây không đơn giản đảm bảo quyền, lợi ích của một nhóm doanh nghiệp bất kỳ nào mà đó là lợi ích chung cả cả xã hội. Hạn chế chi phí lãi vay được khấu trừ đã khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế phát triển, mất cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Ở góc nhìn rộng hơn, rất nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc sửa nghị định 20 cũng sẽ là một quyết sách quan trọng với doanh nghiệp trong nước.
Đã nhận rõ điều chưa phù hợp để sửa các quy định, tạo thuận lợi cho DN thì cũng cần đi đến cùng tháo dỡ hết những vướng mắc còn lại không để doanh nghiệp “khó chồng khó” trong giai đoạn hiện nay, hơn nữa nếu kéo dài có thể gây hệ lụy khó lường cho cả nền kinh tế.
Một quy định chưa phù hợp có thể khiến doanh nghiệp thêm khó khăn, một quy định có thể cánh tay vững chãi giúp doanh nghiệp thêm niềm tin và nguồn lực để vượt qua khó khăn. Thời điểm này điều đó càng thể hiện rất rõ.
Hoàng Nam