Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Sự kiện này đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế và người dân TP HCM. Nhiều người cho rằng, Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính không điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là không hợp lý.
Theo Dự thảo này, Bộ Tài chính sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần, giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc, đồng thời giãn khoảng cách ở các bậc chịu thuế; điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn.
Dự thảo có 2 phương án, trong đó, phương án 2 được nhiều chuyên gia kinh tế và người dân đồng tình vì nó phù hợp hơn. Ở phương án này, Bộ Tài chính đề xuất, thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng mức thuế là 5%, từ 5-10 triệu đồng thuế 10%; từ 10-40 triệu đồng thuế 20%; từ 40-80 triệu đồng thuế 30%; trên 80 triệu đồng thuế 35%.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh ngân sách giảm một số nguồn thu như hiện nay, đây cũng là cách để góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Việc giảm các thang bậc thu thuế sẽ giảm bớt tính công bằng trong việc thu thuế thu nhập cá nhân, nhưng lại thuận lợi hơn cho việc thu thuế.
TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, việc giảm bậc thang thu thuế suất là hợp lý. Thời gian qua, việc quản lý hành thu chưa tốt, khi có nhiều thang thuế suất có khi dẫn đến kém hiệu quả và còn gây tiêu cực.
Điều mà nhiều người dân ở TP HCM băn khoăn là trong Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân lần này, Bộ Tài chính không đề cập đến việc giảm trừ gia cảnh. Nếu vậy thì mức giảm gia trừ gia cảnh của bản thân là 9 triệu đồng/tháng được áp dụng từ 2013 vẫn giữ nguyên và áp dụng cho thời điểm sắp tới là không hợp lý.
Chị Nguyễn Thị Tâm làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân ở quận 7, TP HCM thu nhập mỗi tháng 15 triệu đồng cho biết, mức quy định giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho bản thân và 3,6 triệu cho người phụ thuộc nó không còn phù hợp thực tế. “Con số thực tế chi tiêu cho bản thân và nuôi con như trang trải chi phí, xăng xe, tiền học cho con, đóng tiền chung cư… đã lớn hơn con số giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đang tính”, chị Tâm cho biết.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, mỗi năm chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 3-4%, nếu tính trong 5 năm sẽ có mức tăng gần 20% cho nên theo quy định của Luật phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Vì cùng với việc điều chỉnh Thuế Thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất tăng Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nhiều mặt hàng, điều này khiến cho giá cả hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tới sẽ tăng thêm.
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế Thu nhập cá nhân Cục thuế TP HCM băn khoăn cho rằng, với mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay là quá ít nhưng khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập lần này, Bộ Tài chính không hề đề cập. “Năm 2018, giá cả sẽ tăng lên, nhiều phí dịch vụ sẽ tăng như y tế, điện... nếu không điều chỉnh mức trừ gia cảnh sẽ là không hợp lý”, ông Sơn nêu ý kiến.
Mục tiêu của việc thu ngân sách là đảm bảo tốt nguồn thu, tránh thất thu thuế, đồng thời phải đảm bảo tính công bằng và phù hợp với thực tiển của cuộc sống. Vì vậy, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính nên điều chỉnh theo hướng sát thực tế, không chỉ tập trung vào nguồn thu từ lương. Cần quan tâm hơn đến những nguồn thu khác từ thu nhập mà lâu nay chưa thu tốt, như các nguồn thu từ chuyển nhượng tài sản là bất động sản, thu nhập của ca sĩ, bác sĩ.../.