Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng đánh giá theo từng nhóm vấn đề gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh... Đây là điều mà người dân hết sức quan tâm, bởi sau hơn 10 năm có hiệu lực, Luật Thuế TNCN đã bộc lộ những bất cập cần phải thay đổi, sửa đổi bổ sung cho hợp lý.
Hiện nay, cách tính thuế TNCN là vấn đề người dân hết sức quan tâm. Tuy mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng từ tháng 7-2020 nhưng vẫn bị xem là "lạc hậu" trong bối cảnh kinh tế liên tục tăng trưởng; giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; người nộp thuế và người phụ thuộc phải trang trải rất nhiều chi phí cuộc sống.
Các khoản giảm trừ theo quy định Luật Thuế TNCN hiện nay là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh; bao gồm: giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện và giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Trong đó, giảm trừ gia cảnh là khoản giảm trừ thường xuyên có số lượng lớn và mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến người nộp thuế.
Quy định giảm trừ gia cảnh được áp dụng từ Luật Thuế TNCN 2007 với mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc. Kể từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tương ứng lên 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, pháp luật thuế TNCN quy định: "Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo". Thế nhưng, theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh là mức cố định chung cho tất cả người nộp thuế ở các vùng miền khác nhau - nơi có chi phí trang trải cuộc sống có sự chênh lệch đáng kể. Đồng thời, mức giảm trừ biến động theo chỉ số CPI - nơi các hàng hóa trong rổ CPI gần như chưa phản ánh đầy đủ biến động giá sinh hoạt của người nộp thuế.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao đẩy giá hàng hóa tăng theo, cộng thêm dịch bệnh khiến thu nhập của người nộp thuế bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Có một số ý kiến đề xuất về mức giảm trừ gia cảnh như tính theo mức gia tăng của chỉ số lạm phát hay chỉ số tăng lương tối thiểu hằng năm. Tuy nhiên, việc áp dụng mức giảm trừ tính theo số tuyệt đối là khó thuyết phục người nộp thuế về phương pháp tính toán. Hơn nữa, việc thay đổi mức giảm trừ theo chỉ số CPI cũng có thể chưa phản ánh hết mức độ lạm phát của nền kinh tế và không thể hiện đúng nhu cầu chi tiêu của người nộp thuế trên mọi vùng miền. Do đó, kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung mức giảm trừ gia cảnh theo mức tiền lương tối thiểu vùng. Bởi lẽ, tiền lương tối thiểu vùng là một chỉ số được nhà nước công bố hằng năm và người lao động, người sử dụng lao động thống nhất thực hiện. Khi sử dụng chỉ số này sẽ bảo đảm công bằng giữa chi phí cuộc sống từng vùng và có cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn. Khi đó, chúng ta có thể xây dựng mức giảm trừ gia cảnh ở mức 4-5 lần mức tiền lương tối thiểu vùng cho người nộp thuế.
Đối với người phụ thuộc, lâu nay chúng ta đều xây dựng mức giảm trừ bằng gần 1/3 so với người nộp thuế. Thực tế cho thấy người phụ thuộc (con cái) có mức chi tiêu cho việc học hành, ăn uống, sinh hoạt không thua kém cha mẹ. Do đó, quy định hiện hành không đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho đối tượng này. Chính vì thế, kiến nghị mức giảm trừ của người phụ thuộc phải tối thiểu là 50% so với người nộp thuế.
Một vấn đề nữa mà người nộp thuế cần được giảm trừ là các chi phí sinh hoạt tối thiểu tạo lập nên nguồn thu nhập. Đó là các chi phí cơ bản như ăn, ở, mặc, học tập, chữa bệnh… cho đến các chi phí đáp ứng nhu cầu cao hơn như bảo hiểm, đào tạo nâng cao tay nghề… Việc cho phép giảm trừ một số chi phí hợp lý, có chứng từ hợp pháp góp phần bảo đảm công bằng xã hội và khuyến khích cá nhân nhận chứng từ khi chi tiêu; đồng thời, giảm thiểu nạn ẩn lậu thuế, mua bán hóa đơn như thời gian vừa qua.
Thuế TNCN là nguồn thu lớn của ngân sách, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi cá nhân. Việc sửa đổi pháp luật thuế TNCN tác động lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh và chi tiêu xã hội. Với việc sửa đổi lần này, chúng tôi tin tưởng Luật Thuế TNCN sẽ hoàn chỉnh, ổn định, tiên tiến, đáp ứng mong đợi của cộng đồng người nộp thuế và doanh nghiệp.