Sáng 13-12, Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam hoan nghênh những dự định cải cách thể chế của Bộ Xây dựng. Bởi Bộ này đang dự kiến sửa 4 luật liên quan, cũng như dùng một nghị định sửa nhiều nghị định theo hướng bỏ những giấy tờ, thủ tục không cần thiết.
Tuy vậy, ông Hiệp cho rằng, còn rất nhiều vấn đề mà Bộ Xây dựng cần quan tâm.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp đại diện các nhà thầu xây dựng nói Bộ Xây dựng cần phải xem xét nhiều vấn đề để luật phù hợp thực tiễn. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Hiệp kể: ông tình cờ nhìn thấy giấy phép xây dựng từ thời Pháp thuộc năm 1921, in rất đẹp. Nội dung của giấy phép chỉ quy định ranh giới đất, mặt tiền. “Còn bên trong thì ông muốn làm gì ông làm. Vì đây là đất nhà ông, miễn là không xâm phạm nhà khác. Chúng ta phải nghiên cứu xem”.
Theo ông Hiệp, hiện nay, chỉ riêng việc sửa cái toilet, chuyển toilet từ vị trí nọ sang vị trí kia cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. “Cái đó nằm trong đất nhà người ta, không vi phạm đến nhà khác, không vi phạm mặt tiền, mật độ xây dựng vẫn thế, không vi phạm chiều cao thì làm sao phải điều chỉnh giấy phép?”, ông Hiệp đặt vấn đề.
Kể về một dự án của công ty mình đang thực hiện, ông Hiệp cho hay: dự án của có 42 nhà liền kề, trong đó có 4 nhà cao 9 tầng. Nhưng nhà 9 tầng thì phải lên Sở Xây dựng cấp phép, còn nhà thấp tầng thì quận cấp phép.
“Chúng tôi thực hiện như thế. Nhưng ông quận lại bảo chúng tôi lên Sở, ông Sở thì lại bảo chúng tôi về quận. Loanh quanh mãi chúng tôi mất đúng ba tháng để hoàn thành thủ tục”, ông Hiệp cho hay và đề nghị Bộ Xây dựng nên quy định rõ thẩm quyền cấp phép.
Cũng liên quan tới giấy phép, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo cho hay: mỗi hồ sơ quảng cáo, tính cả giấy phép của Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT-DL thì lên tới 20 giấy phép. Ông Hùng cũng đề nghị phải đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương những quy định mới.
Tuy vậy, đánh giá về lần sửa đổi pháp luật của Bộ Xây dựng lần này, ông Đậu Anh Tuấn , Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: những sửa đổi dự kiến lần này là rất tiến bộ, theo đúng nguyên tắc thị trường, trao quyền cho doanh nghiệp và giảm bớt sự can thiệp của nhà nước.
Ông Tuấn cũng như nhiều doanh nghiệp mong muốn Bộ Xây dựng giữ được tinh thần này trong quá trình sửa đổi các luật liên quan và các nghị định khác.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh cho hay: Bộ chỉ đề xuất giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh, còn lại là bỏ và đơn giản hóa. ẢNH: CHÂN LUẬN
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh cho hay, trong đợt sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật lần này, Bộ đã đề xuất bỏ 6 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.Bộ Tư pháp góp ý giữ lại hai ngành nữa. Bộ Xây dựng tiếp thu và đề xuất bỏ 4 ngành nghề.
Còn về các điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ: 41,3%; đơn giản hóa 43,7% và chỉ đề xuất giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh hiện hành.