Diện mạo mới
Trao đổi với NTNN, ông Mai Tấn Lựu - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận - cho biết: “Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội, nên Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã tập trung lồng ghép và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình nông thôn. Nhiều công trình, tuyến đường giao thông đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp hơn”.
Giao thông nông thôn ở Hiệp Thuận được đầu tư bê tông hóa.
"Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang keo lai, người dân có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập 200 - 300 nghìn đồng/ngày, đời sống khá lên, nhà cửa khang trang, kiên cố hơn…”. Ông Mai Tấn Lựu |
Theo ông Lựu, hơn 6 năm thực hiện xây dựng NTM, Hiệp Thuận đã xây dựng được 4,5km đường giao thông trục xã, liên xã; 12,8km đường trục thôn, xóm; 1,742km đường ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa; 2,226km đường trục chính nội đồng. Về kênh mương thủy lợi, toàn xã đã kiên cố hóa được 5.852m, đảm bảo tưới trên 80% diện tích trong toàn xã, cơ bản phục vụ tốt cho sản xuất của bà con nông dân.
Xã cũng đầu tư hàng loạt công trình phúc lợi khác như: Điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Xã có - trường mẫu giáo Hoa Anh Đào và phân hiệu Trường tiểu học Lê Văn Tám đã được công nhân đạt chuẩn quốc gia 2012. Hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện cho 100% hộ sử dụng an toàn, thường xuyên. Xã có 1 điểm phục vụ bưu chính viễn thông tại thôn Thuận An, có điểm truy cập dịch vụ internet, 4/4 thôn có internet đến thôn. Các lĩnh vực y tế, chợ, nhà văn hóa… xã cũng được quan tâm chú trọng trong thời gian qua.
Ông Phan Tấn Nhân - Trưởng thôn Thuận Sơn - chia sẻ: “Từ khi triển khai xây dựng NTM, Thuận Sơn ngày càng khởi sắc. Đặc biệt hơn, thôn Thuận Sơn được chọn làm “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, hiện nay, địa phương đã thực hiện trước một số nội dung như trồng cây xanh, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, xây dựng khu vườn mẫu và một số giải pháp về vấn đề vệ sinh môi trường...”.
Quyết tâm về đích 2018
Ông Mai Tấn Lựu cho biết thêm: “Trước đây người dân ở Hiệp Thuận chủ yếu trồng lúa và cây hoa màu, hiệu quả không cao, thu nhập lại bấp bênh. Nay nhờ cây keo mà không ít hộ đã khá giả và vươn lên làm giàu. Toàn xã có 1.600ha trồng keo, với hơn 80% số hộ trong xã tham gia”.
“Mô hình trồng cây keo lai phát triển kéo theo dịch vụ vận tải và nghề đập lột vỏ keo ra đời. Người dân có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Đời sống người dân khá lên, nhà cửa khang trang, kiên cố hơn nhờ phát triển kinh tế rừng gắn với cây keo lai…” - ông Lựu phấn khởi nói.
Điển hình trong số những hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ cây keo là hộ ông Nguyễn Hữu Dương (thôn Quảng Nghĩa) trồng 20ha, bà Nguyễn Thị Đào (thôn Thuận Nhơn) trồng 30ha… Từ hộ khó khăn, hiện nay ông Dương và bà Đào đã có nhà cửa khang trang, thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm….
Ông Nguyễn Văn Bình – cán bộ chuyên trách nông thôn mới của xã - cho biết thêm, ngoài cây keo, xã cũng đang triển khai những vùng chuyên canh cây màu hiệu quả khác, trong đó phải kể đến cây lúa, rau sạch, lạc, đậu côve, cây bắp, sả… và các loại hoa màu khác. Ngoài ra, Hiệp Thuận còn chú trọng chăn nuôi lợn, bò, gà, vịt… Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi mà kinh tế của xã những năm qua tiếp tục tăng trưởng mạnh. Thu nhập bình quân đạt 31,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,4%...
“Đến thời điểm này xã Hiệp Thuận đã đạt 17/19 tiêu chí, còn lại 2 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Thời gian tới, xã huy động mọi nguồn lực để hoàn thành 2 tiêu chí này, để xã cán đích vào năm 2018 đúng tiến độ. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng NTM, nhưng Hiệp Thuận còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong được sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ cấp trên để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng…” - ông Lựu đề nghị.