Hiệp định Đối tác toàn diện và chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP 11, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30-12.
"Thuốc giải độc" cho chủ nghĩa bảo hộ
Thông báo này của Chính phủ New Zealand đưa ra hôm 31-10, được cho là đốm sáng hiếm hoi cho thương mại toàn cầu giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng.
CPTPP mang lại nhiều thuận lợi cho ngành dệt may của Việt Nam nhưng cũng không ít thách thức về xuất xứ nguyên phụ liệu Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể, thông tin này được đưa ra sau khi Úc thông báo với New Zealand về việc đã trở thành quốc gia thứ sáu chính thức phê chuẩn CPTPP, bên cạnh Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand - nước chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định. "Điều này kích hoạt quá trình 60 ngày đếm ngược để đưa thỏa thuận vào thực thi và tiến hành vòng cắt giảm thuế quan đầu tiên" - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu của New Zealand, ông David Parker, cho biết.
Theo Reuters, CPTPP sẽ giảm thiểu thuế quan tại nhóm nền kinh tế chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 10.000 tỉ USD. Nếu bao gồm Mỹ, thỏa thuận sẽ bao trùm 40% GDP toàn cầu. Thành công của CPTPP được giới chức Nhật Bản và các nước thành viên khác gọi là "thuốc giải độc" để đối chọi với chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng của Mỹ.
Năm thành viên còn lại vẫn đang trong quá trình phê chuẩn hiệp định là Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định CPTPP vẫn là hiệp định rất quan trọng và đem lại cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, do nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không bị cạnh tranh nhiều với các thị trường trong khối. Đổi lại, các yêu cầu trong CPTPP cao hơn WTO rất nhiều và yêu cầu về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người lao động, phòng chống tham nhũng cũng chặt chẽ hơn. Do đó, để đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định trong hiệp định này, cơ quan quản lý cần sớm sửa đổi các luật cho phù hợp quy định, cam kết trong CPTPP.
"Về phía doanh nghiệp (DN), thực tế lâu nay nhiều DN lo thị trường hiện tại mà ít quan tâm đến cơ hội mở rộng thị phần, thị trường trong tương lai. Do đó, bản thân các DN cũng cần tìm hiểu sớm các quy định, nghiên cứu để tận dụng cơ hội của hiệp định này nhằm đẩy mạnh xuất khẩu" - TS Lê Đăng Doanh nói.
Lo bị mượn xuất xứ
Với Việt Nam, dệt may, da giày vẫn được xem là những ngành hưởng lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 25,2 tỉ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu giày dép đạt 13 tỉ USD, tăng 9,7%.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng chủ yếu tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các khối nước hiệp định CPTPP. Việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do như CPTPP sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành dệt may, da giày của Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với các thị trường thuộc CPTPP.
Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, lại tỏ ra "lo nhiều, mừng chưa quá lớn" trước thông tin CPTPP sẽ sớm có hiệu lực. Hiện nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, xuất xứ cho ngành dệt may rất hạn chế. Yêu cầu trong CPTPP là xuất xứ của hàng dệt may phải từ sợi (thay vì từ vải như một số hiệp định khác), trong khi các DN trong nước chưa đầu tư được nhiều vào khâu sợi dệt nhuộm.
"Hiện 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật, thì chỉ Nhật có trong CPTPP nhưng lâu nay thị trường này đã có nhiều thuận lợi. Điều DN cần nhất lúc này là làm sao tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư vào khâu xuất xứ cho nguyên phụ liệu mà cần sự hỗ trợ của nhà nước" - ông Hồng bày tỏ.
Cũng lo ngại sức ép cạnh tranh lớn khi CPTPP thông qua, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết đến nay, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại nhưng số DN Việt có quy mô lớn, tiềm lực mạnh có khả năng đầu tư ra nước ngoài để tận dụng lợi thế từ hiệp định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, đại đa số DN Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, nội lực còn yếu chỉ đang chèo chống tại sân nhà.
Một nỗi lo khác của các DN xuất khẩu liên quan đến những hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), CPTPP có hiệu lực sẽ bị DN Trung Quốc tận dụng để làm giả xuất xứ. Thực tế, tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thời gian qua đã khiến nhiều đơn hàng dệt may, da giày… dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để né thuế. Xu hướng này sẽ gia tăng nếu các hiệp định như CPTPP, EVFTA có hiệu lực. Do đó, theo ông Phạm Xuân Hồng, cơ quan chức năng phải quản lý thật chặt để các hiệp định này khỏi bị lợi dụng.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, CPTPP có mức ảnh hưởng lớn, các DN nước ngoài, nhất là DN từ Trung Quốc đang và sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam để hưởng lợi thế xuất xứ để xuất khẩu sang các nước CPTPP. Hoạt động đầu tư này đe dọa khả năng tồn tại và phát triển của DN trong nước. Nếu các nhà đầu tư này tận dụng xuất xứ Việt Nam để gian lận thương mại sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế.
Cẩn trọng với "hàng chuyển tải"
TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường ĐH Fulbright, phân tích hàng chuyển tải tức hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn "made in Vietnam" sau đó xuất sang Mỹ để tránh thuế. Nếu không kiểm soát, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm để Mỹ đánh thuế. Vừa qua, thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (gồm cả thuế chống phá giá và thuế đối kháng).
"Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện được, các DN bị trừng phạt là ở Việt Nam thì sẽ là cả nhóm sản phẩm, ngành hàng chứ không chỉ từng DN. Khi đó, không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín, dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm của Mỹ vì thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường này cũng rất lớn" - TS Nguyễn Xuân Thành nói.