Diễn biến tỷ giá USD/VND. Nguồn: SBV, CEIC & HSC
Chính quyền Biden đặt mục tiêu sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho 100% người trưởng thành trước cuối tháng 5/2021, trong khi FED cho biết sẽ rút QE khi 75% người dân Mỹ được tiêm loại vaccine này.
Sớm rút nới lỏng định lượng
Ngoài thông tin nói trên, một dấu hiện nữa cũng cho thấy việc rút lại QE có thể tới sớm hơn dự kiến. Đó là nhiều ngân hàng lớn của Mỹ như JPMorgan Chase, Wells Fargo vừa báo cáo dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 3/2021 giảm lần lượt 15% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó có nghĩa người dân và doanh nghiệp Mỹ đang thừa tiền mặt và sẵn sàng cho một làn sóng chi tiêu lớn sắp tới.
Thanh khoản nền kinh tế dồi dào là một động lực quan trọng để FED rút lại QE. Chưa kể tiêu dùng tăng mạnh sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế Mỹ, củng cố niềm tin để FED thu hồi QE.
Giới chuyên gia lo ngại việc FED rút lại QE sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính toàn cầu. Bởi động thái này sẽ dẫn tới làn sóng bán tháo trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Dòng vốn toàn cầu vì thế cũng rút khỏi các nền kinh tế mới nổi, chảy về các nền kinh tế phát triển, đẩy đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi lao dốc, tạo áp lực lạm phát và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Cẩn trọng không thừa
Đầu năm nay, USD vẫn trên đà tăng giá mạnh theo lợi suất trái phiếu Mỹ trước viễn cảnh phục hồi tích cực của kinh tế Mỹ. Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, USD đã tăng 2%.
Theo đó, tỷ giá trung tâm tại Việt Nam cũng đã tăng tới 69 đồng lên 23.200 đồng/USD, tương đương tăng 0,3%. Điều đáng mừng giá mua – bán USD tại các ngân hàng vẫn trong trạng thái ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, nên việc FED rút lại QE chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước.
Thực tế cũng cho thấy, khi FED chấm dứt QE3 vào cuối năm 2014 và bắt đầu tăng lãi suất, cộng thêm việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phá giá mạnh Nhân dân tệ (CNY) vào tháng 8/2015, đã khiến tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước nổi sóng, buộc NHNN phải nhiều lần ra tay can thiệp như: tăng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% và sau đó ít ngày lại tiếp tục tăng lên +/-3%; tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng…
Trước nguy cơ trên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên sử dụng các công cụ phái sinh, như giao dịch kỳ hạn... để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.