Sau một thời gian dài "ổn định" với vị thế thống lĩnh đã được xác lập của Honda hay Yamaha, thị trường xe máy được dự báo sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới với sự xuất hiện của một tay chơi mới với tiềm lực mạnh mẽ là VinFast.
Không chỉ là một hoạt động bổ trợ bên cạnh mảng sản xuất ô tô, việc VinFast đầu tư sản xuất xe máy điện là một động thái đầy tham vọng để khai thác một phân khúc thị trường vẫn còn rất "màu mỡ". Bất chấp việc tiêu thụ ô tô đang tăng trưởng cao nhưng nhu cầu đối với xe máy tại một số quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Báo cáo thường niên của Honda cho biết, trong năm 2016, nhu cầu xe máy tại châu Á vẫn tăng 2% lên 39,76 triệu xe nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan bất chấp việc suy giảm của một số thị trường lớn như Trung Quốc hay Indonesia.
Việt Nam là thị trường tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 10% lên 3,12 triệu xe. Năm 2017, tiêu thụ xe máy tại Việt Nam tiếp tục tăng lên 3,3 triệu xe. Năm 2017, Honda Việt Nam tiêu thụ 2,33 triệu xe máy - tăng 7% so với con số 2,15 triệu xe của năm 2016 và chiếm khoảng 72% thị phần xe máy Việt Nam.
Không chỉ thống trị phân khúc xe máy, mảng ô tô của Honda cũng tăng trưởng rất ấn tượng. Năm 2017, Honda bán ra 12.100 ô tô, chiếm 4,8% thị phần VAMA thì chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018 đã tiêu thụ gần 17.600 xe, chiếm 9,4%thị phần – tức đứng thứ 3 chỉ sau Thaco và Toyota.
Với thị phần áp đảo trong mảng xe máy, kết quả kinh doanh của Honda Việt Nam đã tăng trưởng rất tượng: Trong giai đoạn từ 2012-2016, doanh thu của Honda Việt Nam tăng gần 64%, từ 47.000 lên 77.000 tỷ đồng còn lợi nhuận tăng vọt từ 3.500 tỷ lên hơn 16.100 tỷ đồng. Con số này bao gồm cả doanh thu của mảng ô tô. Tuy vậy, doanh thu ô tô chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng doanh thu của Honda Việt Nam.
Hiện tại, chúng tôi chưa có được số liệu tài chính năm 2017 của Honda Việt Nam nhưng với việc sản lượng xe máy tăng trưởng 7% thì chắc chắn doanh thu và lợi nhuận của Honda sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Ở vị trí thứ 2, doanh thu của Yamaha Motors cũng chỉ bằng 1/3 so với Honda. Năm 2017, hãng xe này đạt doanh thu 25.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận trước thuế hơn 4.000 tỷ đồng.
Honda và Yamaha cùng 3 hãng xe khác là Piaggio, Suzuki và SYM là 5 thành viên hình thành nên Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam – VAMM. So với 2 doanh nghiệp dẫn đầu thì quy mô của 3 doanh nghiệp còn lại rất khiêm tốn và hầu như không tăng trưởng.
Piaggio Việt Nam đạt doanh thu trên 5.000 tỷ đồng mỗi năm với lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng. Suzuki Việt Nam – bao gồm cả mảng ô tô – có doanh thu dao động quanh mức 3.000 tỷ đồng.
SYM có kết quả kém nhất với doanh thu giảm dần từ mức 5.000 tỷ năm 2011 xuống 3.400 tỷ năm 2014 và còn chưa đến 2.000 tỷ năm 2017. Ngoại trừ năm 2016 có lãi, SYM liên tục lỗ trong những năm gần đây.
Tổng hợp số liệu từ 5 thành viên của VAMM cho thấy có ngành xe máy Việt Nam là ngành cực kỳ hấp dẫn và có quy mô lớn với doanh thu hàng năm lên đến gần 120.000 tỷ cùng lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là 2 doanh nghiệp dẫn đầu là Honda và Yamaha đã nắm gần như toàn bộ lợi của cả ngành.
Khi lợi nhuận của ngành ô đạt kỷ lục vào năm 2016, tổng lợi nhuận của 5 doanh nghiệp ô tô hàng đầu Thaco, Toyota, Hyundai Thành Công, Ford và Mercedes-Benz mới đạt 19.500 tỷ đồng – tương đương lợi nhuận của bộ đôi Honda và Yamaha. Khi lợi nhuận của ngành ô tô hạ nhiệt đáng kể trong năm 2017 (lợi nhuận của Thaco giảm mạnh từ 8.500 tỷ xuống 5.500 tỷ) thì lợi nhuận của ngành xe máy thậm chí vượt trội so với ô tô.