Theo Bloomberg, các chủ tàu có thể kiếm được khoảng 1,6 triệu USD khi vận chuyển dầu ESPO của Nga trên những con tàu chở dầu cỡ trung đi từ cảng Kozmino ở phía đông nước Nga tới Trung Quốc. Số tiền này nhiều gấp 3 lần giá cước trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Và đó cũng là món hời mà các chủ tàu người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Hy Lạp không thể bỏ qua.
Việc Nga bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đã khiến ít chủ tàu dám nhận chở dầu thô của Nga. Họ sợ bị vạ lây khi trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt hay bị cô lập hoặc tẩy chay. Chính vì thế, hầu hết dầu ESPO của Nga được vận chuyển tới các cảng của Trung Quốc. Thỉnh thoảng, những lô hàng này cũng được đưa tới Ấn Độ.
Cosco Shipping Holdings Co. của Trung Quốc là một trong những công ty tích cực nhất vận chuyển dầu ESPO bên cạnh công ty Sovcomflot của Nga. Active Shipping & Management Ltd., BEKS Ship Management & Trading SA và Dynacom Tankers Management Ltd. từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tích cực vận chuyển dầu cho Nga. Cùng với đó là Avin International Ltd. và Estoril Navigation Ltd. của Hy Lạp.
Các doanh nghiệp này không phản hồi câu hỏi của Bloomberg.
Thông thường, sẽ mất khoảng 5 ngày để vận chuyển dầu ESPO từ Nga tới Trung Quốc trên các loại tàu chở dầu aframax, có trọng tải từ 80.000 tấn tới 120.000 tấn. Chính vì thế, đây cũng là tuyến được mang lại lợi nhuận cao nhất cho các chủ tàu. Thời gian vận chuyển ngắn nghĩa là các tàu có ít thời gian hoạt động không tải, quay vòng nhanh chóng và khiến chúng sinh lời cao hơn. Một tàu chở dầu loại aframax có thể chở khoảng 730.000 thùng dầu thô.
Hiện tại, các chủ tàu vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ vận chuyển trước khi lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực đầy đủ, trong đó giám sát chặt chẽ hơn các giao dịch với Moscow.
Tuần trước, nhóm G7 cũng đã họp và thảo luận về những cách khác nhau nhằm duy trì nguồn cung dầu thô toàn cầu trong khi giảm doanh thu từ dầu của Nga. Một đề xuất nhằm đặt mức trần cho giá dầu Nga cũng như hạn chế Moscow tiếp cận các dịch vụ vận tải và bảo hiểm trong lĩnh vực dầu thô đã được đưa ra nhưng chưa có quyết định chính thức nào được đồng thuận.
Bên cạnh các chủ tàu nước ngoài, Nga cũng có những cách riêng để vận chuyển dầu của mình ra bên ngoài. Một báo cáo cho thấy các tàu chở dầu Nga thường tắt hệ thống định vị khi chúng đến Azores, một đảo nhỏ cách đất liền Bồ Đào Nha khoảng 1.500 km về phía tây. Theo Bloomberg, các tàu này có thể chuyển hàng lên những chiếc tàu khác. Việc chuyển giao như vậy đã không xảy ra trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, dẫn tới việc các vệ tinh chưa được điều chỉnh để theo dõi hoạt động này.
Hiện tại, không ai biết tại sao những con tàu này lại tắt định vị. Một trong số các suy đoán liên quan đến người mua, những người không muốn thương vụ của họ gặp nhiều soi mói. Thực tế, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga nhưng nó sẽ chỉ có hiệu lực đầy đủ trong tháng 12 tới.
Đường biển là một trong những tuyến đường phổ biến nhất của dầu mỏ. Nhiều năm qua, Nga chuyển hàng hóa của mình ra ngoài khơi Đan Mạch và gần đây là Địa Trung Hải. Tuy nhiên, hiện tượng tắt định vị vốn không xảy ra thường xuyên với tàu Nga mà thường được Iran và Venezuela sử dụng nhiều hơn sau khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt.