Ông HUỲNH VĂN SƠN, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển Sài Gòn:
Khó đưa ra chiến lược vì thiếu cơ sở pháp lý
Từ tháng 7 năm ngoái, khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy kinh tế ban đêm nhưng đến nay, qua 1 năm, việc triển khai giải pháp cho lĩnh vực này vẫn chưa như kỳ vọng. Dường như các bộ, ngành, địa phương vẫn còn cân nhắc, nâng lên đặt xuống nhiều vấn đề.
Do đó, các địa phương còn lúng túng. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau, chủ yếu thử nghiệm và điều chỉnh dần, cũng là đầu tư chợ đêm nhưng mỗi nơi, mỗi điểm đến lại có chính sách khác nhau khiến chúng tôi khó xây dựng chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh bình thường mới, ngành du lịch cần thêm sản phẩm mới để hấp dẫn du khách.
Để nhanh chóng thúc đẩy kinh tế ban đêm , Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải sớm tham mưu cho Chính phủ để có quy định rõ ràng hơn, cơ chế chính sách, hướng dẫn các địa phương về triển khai cụ thể, quy hoạch phân khu ra sao, cụ thể để doanh nghiệp (DN) và địa phương không phải vừa làm vừa điều chỉnh… Điểm nghẽn lớn nhất cho kinh tế ban đêm phát triển hiện nay là làm sao để thu hút nguồn lực từ DN, xã hội đầu tư vào lĩnh vực này.
Bà TRƯƠNG THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng:
Xây dựng 4 nhóm hoạt động dịch vụ
Dù đang giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 trở lại nhưng về lâu dài, TP Đà Nẵng đã có định hướng chung phát triển kinh tế ban đêm, trong đó xác định 4 nhóm hoạt động dịch vụ bao gồm: vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm, tham quan du lịch.
Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ xác định khu vực và đề xuất hoạt động cho các hộ dân hoặc sẽ có hình thức trang trí để nhận diện khu vực dịch vụ đang thí điểm cho phát triển kinh tế ban đêm. Đối với các khu, điểm du lịch lớn như Bà Nà Hills, Công viên châu Á - Asia Park..., chúng tôi sẽ vận động tăng thêm hoạt động về đêm, đặc biệt là sô diễn, hoạt động gia tăng trải nghiệm góp phần tăng thời gian lưu trú, hiệu quả kích thích chi tiêu của du khách, kích cầu du lịch trong thời gian tới.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM thu hút nhiều người đến vui chơi về đêm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM thu hút nhiều người đến vui chơi về đêm Ảnh: HOÀNG TRIỀUVề giải pháp lâu dài, Đà Nẵng dự kiến chọn một số khu vực để quy hoạch xác định cụm du lịch trọng điểm nhằm phát triển kinh tế ban đêm; đề xuất cơ chế thu hút nhà đầu tư xây dựng cụm dịch vụ, khu tổ hợp vui chơi giải trí quy mô lớn, tách biệt khu dân cư và sẽ có nhiều hoạt động thực sự dành cho du khách vui chơi tới sáng.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng và HĐND TP đã giao Sở Du lịch nghiên cứu trình HĐND vào kỳ họp cuối năm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm.
TS Kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH:
Cần khung pháp lý cụ thể
Để phát triển, khai thác tốt kinh tế ban đêm, cũng là để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, cần có chính sách và hành lang pháp lý cụ thể cho các hoạt động kinh tế về đêm. Đặc biệt, cần có khuôn khổ pháp lý cho một số hoạt động vẫn được coi là nhạy cảm như vũ trường, quán bar, dịch vụ thư giãn... Có như vậy mới khắc phục được cái nhìn của chúng ta về mô hình kinh tế ban đêm theo chiều hướng tiêu cực, dẫn đến cấm đoán. Ngoài ra, phải có cơ chế khuyến khích DN nghiên cứu những sản phẩm dịch vụ về đêm đưa vào thực hiện và cần có cơ chế giống như những cơ chế ưu đãi đầu tư khác. Đồng thời, cần có quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ đồng bộ liên kết với nhau tạo thành một chuỗi dịch vụ.
Dịch Covid-19 đang có thể trở lại ở nhiều địa phương trọng điểm và nguy cơ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp không khói rất lớn. Tuy nhiên, ngay trong lúc các hoạt động bị đình trệ do dịch bệnh, cơ quan quản lý vẫn cần tính đến chiến lược phát triển để ngay khi dịch bệnh qua đi, có thể bắt tay vào làm ngay.
GS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Học viện Tài chính:
Thay đổi tư duy về kinh tế ban đêm
Muốn phát triển kinh tế ban đêm cần thay đổi tư duy, cách nghĩ của cơ quan công quyền về loại hình này. Quan trọng nhất là cần cơ chế để kinh tế ban đêm phải được hoạt động xuyên đêm.
Tất nhiên, hoạt động kinh tế ban đêm sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề kéo theo, đòi hỏi nhiều sự thay đổi về cơ chế, chính sách để bảo đảm an ninh - trật tự, môi trường; hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân... Về quy hoạch, cần nghiên cứu tập trung phát triển ở những khu riêng biệt, kết hợp với các resort, khách sạn hoặc phát triển tại các trung tâm văn hóa lâu đời để thu hút khách du lịch. Hoạt động buôn bán hàng hóa tại các điểm này cũng cần được tổ chức phong phú hơn về hình thức, chủng loại, mang tính bản địa...
Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Quyết định số 1129 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Theo đó, phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Đẩy nhanh thí điểm hướng đến nền kinh tế 24 giờ đối với những thành phố, đô thị có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm; nâng cao nhận thức và năng lực của địa phương, DN và người dân về kinh tế ban đêm, từ đó thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư và DN...
Đề án cũng nêu rõ không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm sau 10 giờ tối một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, cho phép một số TP, trung tâm du lịch lớn của cả nước chủ động lựa chọn những dịch vụ mới hoặc có nhu cầu cao về ban đêm ở những địa bàn đông khách du lịch. Phải đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển cẩn thận, đồng bộ, dài hạn, có lộ trình phát triển và nguồn lực thực thi phù hợp.
Trong các nhóm giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai nhóm giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số TP và khu du lịch lớn trên cả nước.
Cụ thể, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số TP, trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.
Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.
Ngoài ra, đề án cũng nêu việc nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt ở TP Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025...