Ngày 15/10, chia sẻ với PV Tiền Phong những thông tin liên quan đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM, Ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay, trong tuần qua, một số thông tin tiêu cực, tin đồn đã tác động ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người dân, đến khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) .
Một số khách hàng đã rút tiền gửi trước hạn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của chính mình mà còn tạo tâm lý không tích cực đến thị trường. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM vẫn ổn định.
"SCB đang có diễn biến tích cực, giao dịch của khách hàng bình thường và dòng tiền gửi vào SCB tăng trở lại... sẽ là cơ sở, là thực tế minh chứng để người dân, doanh nghiệp tiếp tục yên tâm và tin tưởng trong quan hệ và sử dụng dịch vụ với ngân hàng" - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM nói.
Tín dụng TPHCM tiếp tục tăng mạnh trong 9 tháng năm 2022.
Đề cập về hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM nói chung, ông Lệnh dẫn chứng, tiền gửi của hệ thống ngân hàng trên địa bàn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương qua từng tháng; tín dụng 9 tháng tăng 12,13%; các hoạt động dịch vụ tăng trưởng và phát triển tốt.
Ngân hàng là ngành hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng - hoạt động kinh doanh đặc biệt, với những quy định nghiêm ngặt của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả trong hoạt động cũng như bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, của người dân - khách hàng của ngân hàng.
"Gửi tiền vào ngân hàng không chỉ là kênh đầu tư an toàn nhất, ít rủi ro nhất để hưởng lãi suất mà người gửi tiền còn được sử dụng dịch vụ tiện ích tối đa, cũng như được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong mọi trường hợp" - ông Lệnh cho hay.
Cũng theo ông Lệnh, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện tốt gắn liền với các chương trình tín dụng của Chính phủ, của ngân hàng Trung ương và của UBND TPHCM.
Đơn cử như chương trình cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên; cho vay bình ổn thị trường; cho vay khu công nghiệp - khu chế xuất ; cho vay kích cầu đầu tư và gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ… Trong đó, giải ngân gói tín dụng hỗ trợ theo chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đạt hơn 344.000 tỷ đồng cho hơn 28.300 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 6,5%/năm và cho vay trung dài hạn khoảng 9,5%/năm (số đăng ký của các tổ chức tín dụng năm 2022 là hơn 430.000 tỷ đồng).
Theo ông Lệnh, kết quả quan trọng này cùng với chủ trương, chính sách, giải pháp và hành động của của ngành ngân hàng, mục tiêu củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ làm nền tảng cho tăng trưởng và phát triển bền vững cũng như động lực cho tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng cho thấy niềm tin của người dân, của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư nói chung và cơ chế chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nói riêng.