Giảm hơn 60%
Mới 14 giờ ngày 22/2, nhiều quầy sạp thực phẩm tại chợ Tân Định (quận 1) đã “cửa đóng then cài”, không ít ki-ốt còn treo bảng cho thuê hoặc sang sạp. Vun lại mớ trái cây cho thêm phần tươm tất, bà Trần Thị Lệ Hồng, chủ sạp trái cây Hồng Ba Lý buồn hiu nói, sau Tết, lượng khách đến mua hàng giảm hơn phân nửa. Khách đã vắng, mua sắm với số lượng cũng ít hơn.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh ), nhiều quầy sạp thịt heo vẫn còn nhiều dù đã chiều muộn, hầu như chỉ có người bán và vắng hẳn người mua. Bà Dương Mai (sạp 574) thở dài, trước đây bán cả trăm ký, giờ chỉ còn 30 kg nhưng ngồi cả ngày vẫn không hết. “Sức mua giảm từ hồi trước Tết, sau Tết còn giảm nhiều hơn. Tôi bán ở chợ đã hơn 30 năm, quen “hay lam hay làm” nên cứ ra chợ bán buôn, chứ thật ra không bán được bao nhiêu, lời cũng không có” - nữ tiểu thương cho biết.
Chị Minh Tâm, kinh doanh ngành hàng vải tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình ) cũng chung cảnh “sáng dọn ra, chiều dọn vào”. Chính thức khai trương trở lại từ mùng 6 Tết, hơn cả tuần qua, lượng khách đến mua sắm chưa đếm đủ trên đầu ngón tay. “Không dọn hàng thì sợ khách đến mua không có sẽ mất mối, mà dọn hàng kinh doanh ế ẩm cũng nản lắm. Hy vọng hết tháng Giêng, tình hình sẽ khởi sắc hơn”- chị Tâm nói.
Bà Đỗ Thúy Hòa, Trưởng Ban quản lý chợ Bà Chiểu thừa nhận, sức mua tại chợ sau Tết đang giảm sâu, trên dưới 60%. Ngoài lý do kinh tế khó khăn, người dân vừa trải qua đợt mua sắm Tết nên nhu cầu mua sắm cũng giảm. “Tiểu thương ra chợ đã đạt gần 100%, với hơn 930 quầy sạp. Bên trong chợ vắng khách, bên ngoài cũng không còn tấp nập. Khó khăn là tình hình chung hiện nay chứ không riêng gì chợ Bà Chiểu”- bà Hòa nói.
Ông Nguyễn Hoàng Kiêu, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới cũng cho biết: “Thông thường, hàng hóa nhất là thực phẩm sẽ tăng giá sau Tết nhưng nay ngược lại, hàng rất dồi dào, giá cả ổn định nhưng thưa vắng khách. Ngoài sức mua yếu, tỷ lệ tiểu thương chưa kinh doanh trở lại chiếm gần 40%”.
Ráng bám chợ
Sở hữu 2 quầy sạp đồ khô, bánh mứt tại chợ Tân Định, bà Nguyễn Thị Thoa, chủ sạp 536 - 653 có thâm niên 40 năm kinh doanh tại đây tâm sự, chưa bao giờ sức mua lại giảm sâu như trong giai đoạn này. Khó khăn, ế ẩm là thế nhưng theo bà Thoa, những người kinh doanh lâu năm sẽ không bỏ chợ. “Biết rằng kinh tế khó khăn, nhu cầu người dân hạn chế tiêu dùng nhưng vì cuộc sống, vì chợ lâu năm nên tiểu thương đều cố gắng bám trụ. Tiểu thương chợ được khách hàng đánh giá “5 sao”, hàng hóa bán đúng giá… Ít nhiều vẫn có khách ra vô mua sắm. Đó là “động lực” để tiểu thương cố gắng. Tôi nghĩ rằng đây là lúc khó khăn nhưng nếu mỗi tiểu thương “ráng một chút”, vượt qua được giai đoạn này, giữ được khách là giữ được chợ”- bà Thoa chân tình nói.
Đại diện Ban quản lý chợ Tân Định thông tin, đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tiểu thương như miễn phí một tháng tiền điện sau Tết Nguyên đán, kết nối ngân hàng hỗ trợ vốn giá rẻ, tặng túi nhựa tự hủy cho các quầy hàng… “Chúng tôi cũng cố gắng xây dựng chợ sạch đẹp, an toàn, hàng hóa niêm yết giá công khai, tiểu thương thân thiện, vui vẻ “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi” để kéo khách đến chợ” - vị này cho biết.
Ngày 22/2, chia sẻ thông tin với báo chí về tình hình kinh doanh sau Tết, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, năm nay giá cả không tăng như những năm trước, hàng hóa dồi dào; không xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá; sức mua tại một số khu vực có giảm nhưng tổng thể đo lường ở TPHCM thì thương mại tăng 10%, khối thương mại điện tử tăng mạnh, tiểu thương ở chợ không chỉ bán trực tiếp nữa mà còn bán online đã góp phần cải thiện sức mua.
Siêu thị tăng khuyến mãi sau Tết
Nhiều siêu thị bắt đầu khuyến mãi sâu ngay sau Tết để tăng sức mua. Ở hệ thống siêu thị GO!, Big C, thịt, cá tươi sống được giảm giá 33%; trái cây, rau củ giảm giá 28% và giảm tiếp 10% nếu khách mua vào buổi sáng; hàng gia dụng, hàng thiết yếu giảm giá gần 50%; hóa mỹ phẩm giảm giá hơn 30%. Co.op Mart cũng giảm giá nhiều loại thực phẩm chay, rau củ 30%. Tại Lotte Mart, rau để qua ngày hoặc trái cây chín được trưng bày quầy riêng và giảm giá từ 30 - 50%.