Mỗi ngày cả thời gian ăn, ngủ chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ, còn lại đều luôn chân luôn tay chọn lan rồi ghép lên chậu cho khách. Cứ như vậy suốt 20 ngày giáp Tết, anh Thuận thu về khoản tiền công trên dưới 100 triệu đồng.
Anh Trần Văn Thuận - thợ ghép lan có tay nghề 5 năm ở Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) - chia sẻ, ngày làm việc của anh là gần 20 tiếng đồng hồ, tình trạng này duy trì hơn một tuần nay. Đó là bởi, thị trường lan hồ điệp Tết Nhâm Dần đang bước vào những ngày cao điểm, khách mua biếu tặng rất nhiều.
Theo anh, lan hồ điệp được trồng quanh năm, nhưng chỉ dịp Tết Nguyên đán thị trường mới thực sự sôi động, được mọi người chú ý mua nhiều về trưng hay làm quà biếu tặng. Thế nên, những thợ ghép lan như anh cũng mới “đắt hàng”.
Giá tiền công ghép lan trả cho những người thợ như anh thường được tính theo cây. Tuỳ vào độ khó của chậu mà có giá khác nhau.
Lan hồ điệp vào mùa sôi động nhất trong năm, thợ ghép lan cũng hốt bạc (ảnh: Hằng Ruby) |
Anh dẫn chứng, như chỗ anh đang làm, những chậu nhỏ dưới 20 cây giá công ghép là 15.000 đồng/cây, chậu dưới 50 cây giá ghép 20.000 đồng/cây, chậu khủng trên 100 cây, thậm chí tới 300-500 cây giá ghép lên tới 30.000-50.000 đồng/cây tuỳ độ khó.
Những chậu nhỏ, tuy tiền công ghép tuy thấp nhưng làm tương đối nhanh. Còn những chậu ghép khủng giá công cao, song mất khá nhiều thời gian và phải 2-3 người cùng làm mới ghép được, đảm bảo vận chuyển xa hay gần dáng lan trên chậu vẫn giữ nguyên, không bị xô lệch.
Thợ ghép non tay, cây lan không được cố định chắc chắn, khi vận chuyển lan cho khách sẽ hay mất dáng.
Chưa kể, ghép những chậu khủng, thợ lan còn phải tính toán chọn cây nào, đặt vào vị trí nào sao cho phù hợp. Do đó, có những chậu khủng, làm cả ngày mới ghép xong.
Giá ghép lan được tính theo cây, chậu lan càng khủng công ghép càng cao (ảnh: Hằng Ruby) |
“Khách đặt lan đều muốn lấy ngay để đem về trưng hoặc biếu tặng. Thợ ghép dịp Tết thường làm việc không có giờ giấc, chỉ trừ thời gian ăn, thỉnh thoảng chợp mắt nghỉ vì quá mệt. Tính ra, mỗi ngày cả ăn lẫn ngủ chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ, còn lại đều ngồi ghép lan bất chấp thời tiết mưa rét, giá lạnh”, anh chia sẻ.
Song, đổi lại những ngày cực khổ này, thu nhập của thợ ghép lan rất cao. Anh Thuận tiết lộ, mùa Tết năm ngoái, 20 ngày làm công anh nhận về hơn 100 triệu đồng. Năm nay, hy vọng cũng được khoản tương tự, như vậy có thể yên tâm ăn Tết.
Những ngày này, các chủ hàng lan hồ điệp cũng đang săn thợ ghép lan có kinh nghiệm để ghép những chậu khủng. Giá công ghép dao động trong khoảng 15.000-30.000 đồng/cây, hoặc tuỳ thoả thuận.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Lê Thị Thu Hằng, đầu mối bán lan hồ điệp quy mô hàng vạn cây tại Gia Lâm, cho biết, lan hồ điệp khách có thể chọn mua theo giá chậu (đã bao gồm đồ decor, tiền công thợ ghép), hoặc mua theo cây và tính riêng đồ trang trí cùng công thợ.
Có những thợ ghép lan tay nghề giỏi, riêng mùa Tết tiền công thu về cả trăm triệu đồng (ảnh: Hằng Ruby) |
Vào vụ làm hàng Tết, chị phải thuê gần chục thợ chuyên ngồi ghép lan hồ điệp vào chậu để kịp trả đơn hàng cho khách. Giá công ghép phụ thuộc vào tuỳ tay nghề của thợ và độ khó của mỗi chậu. Chậu càng khủng, giá công ghép càng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình ghép cũng có thoả thuận trước, thợ sẽ phải chịu tổn thất khi làm hỏng lan, gãy lan.
“Nếu chậu khủng 200-500 cây mà gãy 1-3 cây thì thợ không phải chịu. Còn hỏng nhiều hơn, thợ sẽ phải chịu phần đó”, chị nói.
Chị Hằng nói thêm, mùa Tết năm ngoái, kết thúc vụ lan hồ điệp, thợ ghép tại cửa hàng của chị nhận được công cao nhất khoảng hơn 80 triệu, còn thấp nhất cũng khoảng 50 triệu đồng. Số tiền công này trả cho khoảng 20 ngày làm việc giáp Tết.
Bình thường, cao điểm từ ngày 10-20/12 âm lịch sẽ là mùa cao điểm làm lan hồ điệp chậu khủng do nhu cầu mua biếu tặng là chủ yếu. Còn sau 20 tháng Chạp chủ yếu làm chậu nhỏ do khách gia đình mua về trưng Tết nhiều, chị Hằng chia sẻ.
T.An