Trước áp lực của dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã buộc phải áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. 45 ngày qua, kinh tế Hà Nội chịu ảnh hưởng rõ rệt nhưng đổi lại, dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.
Giãn cách xã hội là cần thiết
Đêm 23/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Hà Nội cũng đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch lẻ tẻ. Để đưa đến quyết định giãn cách này, Hà Nội chắc chắn đã phải cân nhắc nhiều mặt về sinh mạng, sinh kế và kinh tế của nhân dân, của Thủ đô.
Vào tháng 5/2021, khi dịch bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thủ đô của cả nước cũng chịu áp lực của những đợt dịch trong cộng đồng. Khi đó, nhiều ý kiến đã đề nghị Hà Nội “chịu đau”, áp dụng Chỉ thị 16 ngay. Tuy nhiên, thành phố không làm vậy và từng bước kiểm soát được dịch bệnh.
Từ tối 1/9, 1.200 cư dân sinh sống tại 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) được đưa đi cách ly giãn dân tập trung tại ký túc xá Đại học FPT. Ảnh: Phạm Hải |
Nhưng bối cảnh dẫn đến giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 24/7 là rất khác với tháng 5. Sự bùng dịch ở 19 tỉnh, thành phía Nam là dữ dội. Hà Nội phải giãn cách bởi nếu kịch bản của các tỉnh phía Nam lặp lại với Hà Nội thì không chỉ Hà Nội mà các tỉnh thành phía Bắc khác cũng khó lòng kiểm soát. Nguồn lực y tế đã phải chi viện đáng kể cho miền Nam, nếu để bùng dịch, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc gặp thách thức rất lớn. Số người tử vong sẽ không thể tưởng tượng được.
Giãn cách theo chỉ thị 16 tất nhiên kinh tế Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy phần nào bức tranh.
Sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 8% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 8, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là gần 1.300 DN, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, giảm 33%; thực hiện thủ tục giải thể cho 244 doanh nghiệp, giảm 1%; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9%
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 25 nghìn tỷ đồng, giảm 32,2% so với tháng trước và giảm 51,2% so với cùng kỳ năm trước
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước tính đạt 1,28 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước và giảm 34,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Những số liệu trên cho thấy, kinh tế Hà Nội từ khi thực hiện giãn cách xã hội đã bị ảnh hưởng mạnh. Song, đổi lại số ca bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn được duy trì, thu ngân sách vẫn đảm bảo. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thường xuyên cập nhật khai báo y tế đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất.
Phía trước vẫn là thách thức, cần thận trọng
Thời điểm Hà Nội quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình rất giống với TP.HCM lúc ban đầu. Đó là xuất hiện các ca bệnh lẻ tẻ, rồi tăng dần lên. Rất may, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội, làm chậm đà lây lan của dịch bệnh. Không sớm như một số người đánh giá, mà đó là quyết định rất kịp thời.
Nhờ đó, trong đợt dịch lần thứ tư, tính từ ngày 27/4 đến ngày 2/9, Hà Nội mới ghi nhận hơn 3.300 ca mắc Covid-19. Giãn cách xã hội đóng vai trò quan trọng để số ca bệnh không vượt tầm chống chịu của hệ thống y tế.
“Phải bảo vệ được Hà Nội an toàn trước đại dịch Covid-19” là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo Thành ủy, UBND và lãnh đạo các quận huyện và cơ quan của TP. Hà Nội vào sáng ngày 13/8.
Dù còn những chệch choạc, còn “chặt ngoài lỏng trong” ở đâu đó, nhưng Hà Nội đã làm tốt nhiệm vụ của mình, Hà Nội đã được bảo vệ, kiểm soát số ca nhiễm trong mức chịu đựng của hệ thống y tế vốn ngày thường cũng đã 2-3 người nằm chung 1 giường bệnh.
Giãn cách xã hội là biện pháp hiệu quả giúp Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác “câu giờ” để không bị “thủng lưới”. Câu giờ để chờ vắc xin, để tiến tới mở cửa dần các hoạt động, giảm tối đa số người tử vong. Đồng thời, có thêm thời gian và nguồn lực để tập trung kiểm soát dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam.
Quyết định mới, Hà Nội sẽ phân chia vùng đỏ, vùng cam và vùng xanh để nới dần các hoạt động một cách có kiểm soát an toàn. Bởi khi chưa có vắc xin về, điều đó là rủi ro quá lớn cho hệ thống y tế và sức khỏe người dân. Bởi sinh mệnh là điều quan trong nhất, thiêng liêng nhất. Đó cũng là con đường chính quyền lựa chọn từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, bảo vệ sức khoẻ và người dân là cao nhất, trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh sẽ mở dần để phục hồi, phát triển kinh tế.
Thời gian tới, việc ưu tiên nguồn vắc xin cho Hà Nội là điều cần thiết và việc nới dần các hoạt động phù hợp với tiến độ tiêm chủng và mức độ kiểm soát dịch.
Lương Bằng