Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (mã CK: L43) đã bất ngờ báo lỗ lớn trong quý 4/2018. Theo BCTC quý 4/2018 mới được doanh nghiệp này công bố thì doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 24,7 tỷ đồng chỉ bằng ¼ cùng kỳ năm ngoái trong khi giá vốn hàng bán lại là 46,3 tỷ đồng nên L43 lỗ gộp 21,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt 8,4 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 203 triệu đồng trong khi công ty vẫn phải chi tới 5,4 tỷ đồng chi phí tài chính và 2,17 tỷ đồng chi phí QLDN nên kết quả LNST âm gần 29 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 4,8 triệu đồng.
Trước đó trong 9 tháng đầu năm 2018, L43 cũng chỉ lãi vỏn vẹn 44 triệu đồng nên luỹ kế cả năm 2018 lỗ ròng 28,9 tỷ đồng, mức doanh thu thuần cũng hao hụt hơn một nửa chỉ đạt 115 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty thì trong năm 2018 công ty chỉ ký được một số hợp đồng có giá trị thấp, chủ yếu tập trung hoàn thiện và quyết toán một số công trình cũ kéo dài, mất nhiều thời gian và tăng chi phí, việc bù giá cho phần phát sinh một số công trình không thực hiện được dẫn tới giá trị khối lượng nghiệm thu thấp không đạt so với kỳ vọng ban đầu của công ty, do đó giá thành công trình cao hơn so với dự toán ban đầu nên lợi nhuận của một số cong trình giảm, bên cạnh đó các thủ tục thanh toán kéo dài ảnh hướng đến việc thu nợ, làm tăng gánh nặng về chi phí lãi vay và các khoản chi phí khác chi công ty.
Ngoài ra dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) là một dự án chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của công ty đã tạm dừng thi công, làm cho việc thu hồi vốn của dự án không thực hiện được tiếp tục gây rất nhiều khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của năm 2018.
Tính đến 31/12/2018, L43 có 505,6 tỷ đồng nợ phải trả giảm nhẹ so với đầu kỳ và chiếm tới 91,3% tổng tài sản của công ty trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (505 tỷ đồng) bao gồm 78 tỷ đồng phải trả người bán, 162,2 tỷ đồng người mua trả trước, 169,4 tỷ đồng vay và nợ tài chính ngắn hạn.
Bên tài sản đến hết quý 4/2018, L43 đang có 12,7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, đáng chú ý là 171,6 tỷ đồng phải thu khách hàng thì trong đó có 34,4 tỷ đồng của Gang thép Thái Nguyên và 30,7 tỷ đồng của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ngoài ra 292,5 tỷ đồng hàng tồn kho của L43 đang chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Kể từ năm 2011 đến nay, L43 đã báo lãi liên tục sụt giảm từ con số lãi tiền tỷ thậm chí vài chục tỷ thì giờ mỗi năm chỉ lãi vài trăm triệu và đến 2018 thì đã phải chấp nhận lỗ lớn.