Dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng với số lỗ lớn. Điều đó khiến thu ngân sách nhà nước lao dốc, bội chi tăng lên mạnh.
Loạt tập đoàn thua lỗ, thu ngân sách giảm
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy: Việc thu thuế, phí năm 2020 giảm lớn so với dự toán do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; đồng thời Nhà nước thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí của năm 2020 khoảng 18.780 tỷ đồng.
“Kết quả thu thuế, phí 9 tháng đầu năm nay đạt thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ”, báo cáo lưu ý.
9 tháng năm 2020 thu từ thuế phí chỉ đạt 61,6% mức thu cả năm, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ tính 9 tháng các năm 2016-2019, mức thu đều đạt từ 69,7-72% mức thu cả năm, và tăng từ 7-15,2% so với cùng kỳ.
Hàng không trải qua một năm điêu đứng vì covid - 19. Ảnh: Lương Bằng |
Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách từ tháng 4 đến nay .
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở một số quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ, các quốc gia thuộc khối châu Âu... tác động trực tiếp đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, dẫn đến giao thương hạn chế, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn. Từ đó, tác động đến tình hình thu ngân sách nhà nước, làm giảm thu 35.279 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tại thời điểm xây dựng dự toán, giá dầu thô được dự báo đạt 60 USD/thùng. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm giá dầu thô xuống dưới 40 USD/thùng đã làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách.
Với mức đánh giá thu 2020 nêu trên, Chính phủ đánh giá thu ngân sách 3 tháng cuối năm 2020 vẫn còn nhiều rủi ro.
Cụ thể, đợt dịch Covid-19 thứ hai xảy ra ở các trung tâm kinh tế trọng điểm (Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Hải Dương, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,... ). Đồng thời, các đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam đến nay vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, di chuyển của chuyên gia, nhà quản lý, người lao động đến Việt Nam,...
Báo cáo của Chính phủ cũng điểm mặt nhiều doanh nghiệp thua lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam dự kiến lỗ năm 2020 khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2024 mới hết lỗ (năm 2019 thu nhập tính thuế là 2.340 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 468 tỷ đồng).
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 6 tháng đầu năm lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến quý 3/2020 tiếp tục lỗ hơn 500 tỷ đồng (năm 2019 lỗ 1.595 tỷ đồng, không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp).
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 6 tháng đầu năm lỗ khoảng 220 tỷ đồng (năm 2019 thu nhập chịu thuế là 1.148 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 229 tỷ đồng)....
“Theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp, số lỗ này sẽ được trừ vào thu nhập chịu thuế của các năm tiếp theo, làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước”, báo cáo nêu rõ.
Một số ngành trọng điểm có đóng góp số thu lớn cho ngân sách 9 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ như thủy điện, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Chi nhiều hơn thu trên 319 nghìn tỷ đồng
Dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 là 1,51 triệu tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện 9 tháng năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến ngày 23/9/2020, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 17,49 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. |
Ước tính cả năm 2020, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 1,32 triệu tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so với dự toán.
Trong đó, thu ngân sách trung ương giảm dự toán khoảng 126,5 nghìn tỷ đồng ; thu ngân sách địa phương về tổng thể hụt khoảng 62,7 nghìn tỷ đồng so dự toán, không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết thì hụt khoảng 95 nghìn tỷ đồng.
Thu ngân sách giảm, nhưng chi ngân sách lại tăng. Mức chi cân đối ngân sách năm 2020 đặt ra là 1,74 triệu tỷ đồng.
Tổng hợp chung các yếu tố, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2020 dự kiến khoảng 319,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,99% GDP .
Trường hợp rủi ro không thu được 38,5 nghìn tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp của ngân sách trung ương, thì bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 tăng thêm tương ứng. Khi đó, bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 357,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% GDP.
Tình hình này cũng làm ảnh hưởng đến các số liệu về nợ công. Theo đó, dự kiến đến ngày 31/12/2020, so với GDP ước thực hiện, dư nợ công bằng khoảng 56,8%, dư nợ Chính phủ bằng khoảng 50,8%. Các số liệu này đều tăng lên so với năm 2019 khi nợ công của năm 2019 ước là 55%/GDP, còn nợ Chính phủ bằng 48%/GDP.
Lương Bằng