*Bài viết thể hiện quan điểm của Karl W. Smith. Ông từng là trợ lý giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Bắc Carolina và là nhà sáng lập của trang blog Modeled Behavior. Hiện tại ông đang đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch chính sách liên bang tại tổ chức Tax Foundation.
Những số liệu khả quan mới được công bố về dịp lễ mua sắm Black Friday và Cyber Monday của Mỹ đã khẳng định thêm phần chắc chắn rằng người tiêu dùng tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ. Đó là bởi, theo lý thuyết, khả năng hồi phục của sức mua ở Mỹ sẽ là yếu tố ngăn chặn suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, tâm lý tự tin này có thể đã đặt nhầm chỗ.
Có hai vấn đề với việc quá tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế định hướng theo tiêu dùng. Thứ nhất, như John Authers - biên tập viên của Bloomberg, từng nói rằng yếu tố thúc đẩy tăng trưởng này đang yếu dần. Thứ hai, người tiêu dùng từ trước tới nay vẫn là một chỉ báo không ổn định đối với diễn biến tiêu cực của nền kinh tế. Chu kỳ kinh tế đang được thúc đẩy nhờ các khoản đầu tư vào bất động sản và kinh doanh. Và cho đến khi chi tiêu tiêu dùng bắt đầu yếu dần đi, thì mọi thứ đã quá muộn.
Dù chạm đỉnh vào hồi giữa năm 2018 nhưng chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ hiện đang sụt giảm kể từ đó. Đà giảm này không mạnh bằng sức đầu tư vào kinh doanh, bởi vậy chi tiêu người tiêu dùng đã đóng góp một phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung. Tuy nhiên, xu hướng hiện tại vẫn là đi xuống và gần xuống mức của năm 2016 và 2017.
Nếu những yếu tố khác không cùng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, thì chi tiêu tiêu dùng ở mức hiện tại chỉ có thể đóng góp khoảng 1,5% vào GDP một năm và tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng chỉ đạt mức 60.000 - đây sẽ là mức tăng trưởng việc làm thấp nhất kể từ cuối năm 2010. Trong khi đó, 12 tháng vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra trung bình 147.000 việc làm mỗi tháng.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng việc làm yếu kém có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng, kéo theo đó là một "vòng xoáy" của sự sụt giảm. Thực tế, đây chính là "chu trình tiến triển" của các cuộc suy thoái trước đây. 2 trong 3 cuộc suy thoái gần đây nhất, tâm lý lạc quan của người tiêu dùng đạt mức cao nhất vào đúng tháng mà khủng hoảng bắt đầu nhen nhóm.
Thực chất, chi tiêu tiêu dùng đang tăng nhanh, chiếm phần lớn tỷ lệ tăng trưởng GDP, không phải là dấu hiệu của đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế mà chính là dấu hiệu cảnh báo. Một nền kinh tế định hướng tiêu dùng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng tiêu cực. Đó là bởi, trong khi lượng việc làm mất đi có thể ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng, thì sự tăng trưởng tiêu dùng lại có tác động lớn đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Điều này không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đã rơi xuống "vực thẳm". Số lượng nhà ở mới đang dần tăng lên và động thái hạ lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã phần nào giúp ích. Nhưng những tín hiệu mới trong đầu tư kinh doanh lại trái chiều, bởi số liệu ngành sản xuất và các lĩnh vực khác đều đi xuống.
Điều rõ ràng ở đây đó là chỉ đặt niềm tin vào người tiêu dùng là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế là một việc cực kỳ rủi ro. Nếu đầu tư, xuất khẩu hay chi tiêu chính phủ không được đẩy mạnh, hoặc tiếp tục cắt giảm thuế, thì nguy cơ suy thoái sẽ tiếp tục "treo lửng lơ" đối với kinh tế Mỹ vào năm 2020.
Tham khảo Bloomberg