Mới đây, có thông tin hàng trăm công nhân đến Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam (sản xuất giường ghế sofa tại khu công nghiệp Rạch Bắp, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) để làm việc như lịch hẹn trước Tết. Tuy nhiên, đến nơi bảo vệ công ty khóa cổng không cho công nhân vào làm việc.
Công nhân nhận thông báo từ bảo vệ, công ty đã giải thể từ trước Tết. Một công nhân cho biết, anh đến công ty làm việc theo lịch trước Tết thì tá hỏa nhận tin đã giải thể. Công nhân chưa nhận thông báo trước nên hiện rơi vào thế bị động không có việc làm.
Theo quy định của pháp luật, việc giải thể sẽ chấm dứt hoạt động, xóa sổ doanh nghiệp trên thực tế, kéo theo đó, hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động cũng sẽ chấm dứt theo khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019.
Khi đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được nêu tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019.
Đặc biệt, khi doanh nghiệp giải thể, việc giải quyết các quyền lợi của người lao động được ưu tiên hàng đầu, trong đó có lương, trợ cấp thôi việc... Quy định này giúp đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động khi bị mất việc làm.
Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi như sau:
Tiền nợ lương
Doanh nghiệp giải thể phải thanh toán đầy đủ cho người lao động những khoản tiền lương tương ứng với những ngày làm việc chưa được trả. Khoản tiền này sẽ được ưu tiên thanh toán đầu tiên khi giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Trợ cấp thôi việc
Người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi công ty giải thể sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019.
Khoản tiền này sẽ do người sử dụng lao động chi trả với mỗi năm làm việc tương ứng với 01 tháng tiền lương.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Trợ cấp thất nghiệp
Theo Điều 50 Luật Việc làm, khoản trợ cấp này sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả với mức trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Công ty khi thực hiện thủ tục giải thể buộc phải thanh toán các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan bảo hiểm xã hội tương ứng với thời gian người lao động làm việc mà chưa được đóng các khoản bảo hiểm trên. Quy định này giúp đảm bảo các chế độ bảo hiểm mà người lao động được hưởng.
Các khoản lợi ích khác (nếu có)
Ngoài những khoản lợi ích nêu trên, người lao động còn có thể được hưởng các khoản trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, phụ cấp xăng xe, phụ cấp độc hại… nếu như thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động có quy định.