Dốc tiền mua nhà trước khi khởi công, người mua tưởng rằng vậy là an tâm. Nhưng chủ đầu tư nợ nần chồng chất, thi công bị tạm dừng và cái kết khách hàng chờ đợi mòn mỏi vẫn chưa được sở hữu bất động sản do mình mua.
Dự án đột ngột "chết lâm sàng"
Ông Zhang Junxiao và vợ đang sống trong một căn hộ chật chội, với những bức tường bong tróc ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc. Khi nghỉ hưu năm 2019, ông Zhang quyết định mua một căn hộ mới. Ông chọn mua căn hộ 2 phòng ngủ, có thang máy ở khu phức hợp Qifucheng. Đây là khu đô thị có hơn 20 tòa nhà nằm ở rìa thành phố Trịnh Châu, dự kiến hoàn thành xây dựng năm 2020.
Để có tiền, ông vay từ bạn bè, người thân nhằm thanh toán khoản mua 550.000 nhân dân tệ (1,9 tỷ đồng). Số tiền ông vay là 100.000 nhân dân tệ (350 triệu đồng) phần còn lại là khoản tiền tiết kiệm. Thế nhưng, 2,5 năm sau, ông vẫn nợ nần nhưng căn hộ vẫn mới chưa được nhận.
Dự án đã thành hình nhưng công trường đang "đắp chiếu" |
Nguyên nhân do bên cho chủ đầu tư dự án Qifucheng là Zhengzhou Zhongsheng vay tiền cáo buộc công ty đã chậm trễ thanh toán. Nhiều công ty bất động sản ở Trung Quốc thường vay từ các bên cho vay với lãi suất cao hơn ngân hàng.
Cuối năm 2019, dự án Qifucheng đã dừng xây dựng. Tháng 7/2020, chủ đầu tư cho biết công trình sẽ tạm dừng 350 ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các quy định về kiểm soát chất lượng không khí của thành phố Trịnh Châu. Tuy nhiên, hơn 400 ngày sau nghĩa là quá mốc thời gian chủ đầu tư đưa ra, họ vẫn đang đau đầu với các khoản nợ, nên dự án trong tình trạng "án binh bất động", không có công nhân nào ở công trường.
Ngoài ra, chủ đầu tư dính vào hàng trăm vụ kiện từ phía ngân hàng, người mua nhà, các nhà thầu phụ, cho đến các đại lý bất động sản. Phía các đại lý bất động sản tố chủ đầu tư cho họ bán căn hộ nhưng không nhận được hoa hồng. Hai ngân hàng là Ngân hàng Trịnh Châu và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải đệ đơn kiện vì chủ đầu tư không thanh toán nợ đúng hẹn.
Ông Zhang cho biết lúc đầu vẫn nuôi hy vọng, bây giờ không còn chút hy vọng nào. "Tôi không hiểu hy vọng có nghĩa gì, không biết hy vọng ở đâu", ông Zhang nói.
Mối nguy từ "mua nhà trên giấy"
Trong nhiều năm, lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc phụ thuộc việc bán că hộ chưa xây dựng để lấy vốn. Nhưng khi thị trường đi xuống, nợ chồng chất buộc các công ty bất động sản phải dừng thi công. Khi các dự án bị tạm dừng, những người như ông Zhang bị bỏ mặc. Điều đáng nói như khu đô thị Qifucheng đã bán tới 5000 căn hộ trước khi dừng thi công.
Câu chuyện tập đoàn bất động sản lớn ở Trung Quốc là Evergrande phải vật lộn để trả nợ khiến dư luận quan tâm. Nhưng không chỉ có tập đoàn này, nghiên cứu của e-House Enterprise Holdings Ltd cho thấy, tổng doanh số bán hàng của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 36% trong tháng 9/2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này dự đoán 1/3 các công ty bất động sản Trung Quốc có thể phải vật lộn để trả nợ trong 12 tháng tới.
Không ai thi công dự án Qifucheng và các tầng hầm có dấu hiệu bị ngập |
Trước tình hình như vậy, ông Zhang đang tính bán nhà hiện tại đang ở để trả các khoản nợ đã vay. Các thành viên trong gia đình chê trách vì ông quyết định sản lầm. Ông Zhang và tình trạng chật vật của những khách mua khác đang đối mặt là do vấn đề cho phép mua, bán trước khi xây dựng. Đây là cách các công ty cấp vốn cho dự án, người mua còn được giảm giá nếu thanh toán sớm.
Theo các quy định, tiền thu được từ mở bán trước khi khởi công phải chuyển vào một tài khoản có ngân hàng và cơ quan chức năng giám sát. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng và nhà chức trách ít khi thực hiện quy định này và các chủ đầu tư thường sử dụng vốn đó để xây dựng hoặc lấy đi trả nợ.
Cục Thống Kê Quốc gia Trung Quốc cho hay, tiền thu từ mở bán trước và tiền cọc là nguồn vốn lớn cho các công ty bất động sản. Trong khi các khoản vay ngân hàng và phát hành trái phiếu có lãi suất hàng năm ít nhất 5% thì các khoản huy động từ mở bán trước chẳng mất tiền lãi.
Ông Li - một người cũng mua nhà trên giấy ở dự án Qifucheng cho biết, nếu được làm lại sẽ không mua nhà mở bán trước khi xây dựng. Thay vào đó sẽ mua một căn nhà đã qua sử dụng. Ông đến khu đô thị Qifucheng hồi tháng 7, không có ai ở đó, tầng hầm ngập nước.
Còn Zhou - bà mẹ 2 con mua căn hộ tại dự án Qifucheng. Tuy nhiên, cô mang gánh nặng lớn khi vay 390.000 nhân dân tệ (1,3 tỷ đồng) từ ngân hàng. Mặc dù, dự án đã tạm dừng xây dựng nhưng cô vẫn phải trả tiền cho ngân hàng hàng tháng. Bà mẹ này mong muốn có thể đàm phán với ngân hàng cho gia hạn khoản vay nhưng mong muốn này không thành công.
Hiện, Zhou có một đứa con đang học mẫu giáo và một đứa con học tiểu học. Mỗi tháng, cô phải chi 10.000 tệ (35 triệu đồng) để thuê nhà, lo tiền học cho con, trả tiền vay nợ mua xe và tiền nhà. Căn hộ ở dự án Qifucheng là căn hộ đầu tiên mà cô sở hữu nhưng mọi thứ đang tạm dừng.
"Thành thật mà nói, chúng tôi đang ở trong tình thế khó khăn. Tôi bảo với chồng nếu vấn đề chung cư không được giải quyết thì có thể bỏ luôn că hộ này. Tôi mệt mỏi", chị Zhou nói.
Zhang Jie, một luật sư tại Thượng Hải cho biết, người mua nhà vẫn có nghĩa vụ thanh toán khoản vay hàng tháng ngay cả khi các chủ đầu tư tạm dừng xây dựng. Zhang cho biết mối quan hệ của người mua nhà với ngân hàng tách biệt với mối quan hệ của họ với các chủ đầu tư. Vị luật sư này cảnh báo, mua nhà trước khi xây dựng rất rủi ro, cách giảm thiểu rủi ro là chọn chủ đầu tư đảm bảo uy tín và có tiềm lực vốn mạnh.
Quỳnh Hương(Theo Sixthtone)