Phải thiết lập những trung tâm sơ chế, kho lạnh, bảo quản hàng tại khu vực dọc hành lang biên giới. Đồng thời sớm hình thành chuỗi logistics có hệ thống.
Lạng Sơn ùn hàng, các tỉnh ĐBSCL đứt gãy cung ứng
Chỉ cần Trung Quốc có động thái siết chặt kiểm soát xuất nhập khẩu để phòng dịch Covid-19 là hàng hóa Việt Nam lập tức bị ùn ứ tại các cửa khẩu trọng yếu như ở Lạng Sơn, Quảng Ninh. Nghìn xe hàng từ các tỉnh/thành cả nước chôn chân làm các DN “đứng ngồi không yên”.
Nhìn rộng ra từ câu chuyện này, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN-PTNT, cho rằng, việc tắc 4.000 container ở Lạng Sơn đặt ra bài toán phải thiết lập những trung tâm sơ chế, kho lạnh, bảo quản hàng tại khu vực dọc hành lang biên giới. Đây là điều rất cần thiết trong khi cả Lạng Sơn và Quảng Ninh đều chưa có.
Cũng theo đại diện Bộ NN-PTNT, nếu đã hình thành các kho lạnh thì cần đấu nối hạ tầng giao thông, làm sao để giảm được chi phí logistics. Một container hàng không thể đi từ Bình Thuận lên Móng Cái, giá trị nông sản sẽ rơi vãi hết dọc đường di chuyển.
Xe container xếp hàng dài hơn 3km tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, Quảng Ninh (ảnh: Phạm Công) |
Trong khi đó, Quảng Ninh lại có cảng nước sâu ở Hải Hà. Như vậy, hàng hóa trong Nam ra Bắc không phải đi bằng đường thủy để tối thiểu hóa chi phí vận chuyển, không thể cứ đi bằng đường bộ lên cửa khẩu. Cùng lúc này, vùng nông sản lớn như ĐBSCL có thể khai thác tối đa hệ thống kênh rạch, mạng lưới đường thủy.
Hết dịch thì hàng ùn ở cửa khẩu còn trong dịch hàng lại bị đứt gãy chuỗi cung ứng tại ĐBSCL. Phó Chủ tịch tỉnh An Giang - ông Trần Anh Thư thông tin, đứt gãy thấy rõ nhất trong khoảng thời gian từ tháng 6-9/2021, ĐBSCL không tiêu thụ được nông sản, giá nông sản rớt xuống. Trái ngược, người dân tại TP.HCM lại không tiếp cận được với hàng nông sản, giá rau củ quả tăng đột biến, hệ thống siêu thị không đáp ứng nổi.
Đối với hệ thống bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, phân tích, có hai dạng đứt gãy. Thứ nhất, đứt gãy ở từng địa phương. Hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác không đi được. Không phải chỉ là từ TP.HCM đi xuống ĐBSCL và ngược lại mà ngay những tỉnh/thành giáp nhau cũng không thể luân chuyển hàng hóa.
Thứ hai, đứt gãy theo chuỗi cung ứng sản phẩm liên quan đến tính chất đóng góp của những khâu nhất định. Ví dụ, vào những thời điểm gạo An Giang đang dư thừa thì các đơn vị sản xuất không có bao bì để đóng gạo.
Còn việc ách tắc ở cửa khẩu sẽ dẫn tới biến động giá cục bộ về mặt hàng nông sản tại các địa phương trong thời gian tới. Thời điểm này, rất cần bàn tay vĩ mô để điều tiết.
Chế biến sâu và có chiến lược logistics rõ ràng
Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản khẳng định, lúc này không thể đứng yên và than mãi về khó khăn. Đặc điểm của một đất nước nhiệt đới là cái gì cũng có. Một quả xoài Đồng Tháp có, Sơn La cũng có. Việt Nam có sản phẩm đa dạng nhưng làm thế nào để phân loại, sản phẩm nào dùng vào chế biến hoặc sản phẩm nào đi đến tận cùng bàn ăn của người tiêu dùng một cách đạt chuẩn, tận cùng chuỗi giá trị.
Ông cho biết, Bộ KH-ĐT và Bộ NN-PTNT đã đưa vào Dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP. Cần Thơ về việc thiết lập một cụm liên kết logistics, chế biến và bảo quản của vùng ĐBSCL tại địa phương này, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nếu được thông qua, đây sẽ là thiết chế đặc thù dành cho logistics, nông sản và chế biến.
Chiến lược logistics rõ ràng cũng như chế biến sâu sẽ hạn chế thiệt hại đối với nông sản (ảnh: Phạm Công) |
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - ông Phạm Thiện Nghĩa - đồng quan điểm cho rằng, ĐBSCL cần kho lạnh để dữ trự hàng hóa và trung tâm tích hợp để sản xuất, logistics, phân phối tại vùng, kể cả đưa hàng xuất khẩu luôn. Khu vực này có đủ các điều kiện về cảng biển, công nghiệp chế biến, nguồn nhân lực.
Tổng giám đốc Công ty Tinh hoa Quản trị - ông Đỗ Hòa - chỉ ra, cần định danh hai chiến lược. Một, chiến lược chuỗi cung ứng để xuất khẩu, đây là phần để kết nối với thế giới. Hai, chiến lược chuỗi cung cấp cho nội địa. Dựa trên chiến lược chuỗi cung ứng nhắm đến cái gì thì logistics mới được thiết kế theo.
Đơn cử, đường về miền Tây quá chật trong khi phương tiện vận chuyển hàng hóa lại đi chung với phương tiện chở người thì không sao chịu được. Vùng ĐBSCL đa phần là vùng nguyên liệu thô, sơ chế nên cồng kềnh. Vận chuyển nông sản sử dụng đường bộ không cạnh tranh. Do đó, cần hệ thống logistics riêng chuyển hàng hóa.
Chuỗi xuất khẩu phải được thiết kế để phục vụ cho kết nối, đi ra cửa biển. Còn lại là nội địa, kết nối giữa vùng nguyên liệu ở ĐBSCL với thị trường tiêu thụ ở TP.HCM.
Logistics ở các nước phát triển hiện đã tận dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng dữ liệu để tính toán chi tiết mật độ xe chạy, tốc độ chạy bình quân, tải trọng, nhu cầu từng lĩnh vực để thiết kế vị trí trung tâm phân phối chính nằm ở đâu, cách bao xe đến các trung tâm phân phối cấp 2 rồi hệ thống điểm bán lẻ.
“Nếu chuỗi cung ứng không hiệu quả thì đừng mơ bán hàng và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đây là bí kíp. Điều nhìn thấy được trên thị trường chỉ là thương hiệu, nhãn hàng. Nhưng sau lưng các gã khổng lồ như Pepsi, Cocacola hay Unilever, chuỗi cung ứng chính là lợi thế của họ”, ông Hòa nhận định.
Trần Chung