Theo các số liệu từ các công ty chuyên theo dõi tình trạng nông nghiệp toàn cầu, dịch bệnh Sốt lợn châu Phi, vốn đang lan rộng ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc, có khả năng gây ra những tác động bất ngờ tới cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Brett Stuart, đối tác của Global AgriTrends, một công ty chuyên thu thập thông tin trên thị trường nông nghiệp toàn cầu, cảnh báo không thể dự đoán được dịch bệnh trên đàn lợn ở Trung Quốc có thể nguy hiểm đến mức nào và quy mô lây lan của nó. Những đợt bùng phát không thường xuyên có thể khiến Trung Quốc chưa quá lo lắng nhưng mật độ và quy mô đàn lợn nuôi của Trung Quốc có thể biến tình hình trở nên tồi tệ.
Nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và dẫn tới tình trạng tiêu hủy lợn hàng loạt, cuộc khủng hoảng thiếu sẽ xảy ra trên thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn thứ 2 thế giới. Trong tình cảnh đó, Trung Quốc sẽ buộc phải nhập khẩu lợn từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước, điều có thể tác động tới tương lai cuộc chiến thương mại.
Bất đồng sâu sắc với Mỹ, Trung Quốc đã tuyên bố đánh thuế với thịt lợn Mỹ lên 37% trong tháng 4 và 62% trong tháng 7. Nhìn thoáng qua, có vẻ Trung Quốc chẳng hề cần tới Mỹ trong lĩnh vực cung cấp thịt lợn cho thị trường nước này. Liên minh châu Âu xuất khẩu nhiều thịt lợn hơn cho thị trường Trung Quốc, chiếm tới 55%. Chính vì thế, tác động từ dịch bệnh với đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa thể diễn ra ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu xét về lâu về dài, tình trạng này cũng sẽ tạo nên những biến đổi nhất định.
Trong khi đó, một trong những mặt hàng chủ lực của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế đáp trả trong cuộc chiến thương mại là đậu tương, vốn được sử dụng để làm thức ăn cho gia xúc, trong đó phần nhiều là lợn. Trong trường hợp đàn lợn của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh, họ cũng chẳng cần nhập khẩu quá nhiều đậu tương của Mỹ, điều giúp Bắc Kinh có thể cân bằng nhờ các nguồn cung bên ngoài.
Hiện tại, tác động từ Chiến tranh Thương mại cũng đã quét qua các trang trại lợn của Trung Quốc, trước cả dịch bệnh Sốt lợn châu Phi. Chủ các trại nuôi lợn đang phải đối mặt với một vấn đề là giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao vì khan hiếm nguyên liệu nhưng giá lợn lại giảm. Trong bối cảnh đàn lợn ở Trung Quốc vẫn giữ nguyên số lượng, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng chỉ là đòn đánh mạnh vào các chủ trang trại chứ không phải người tiêu dùng. Cung tương đương với cầu khiến giá lợn không thể tăng lên.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Trung Quốc cũng có thể tìm kiếm nguồn cung đậu tương từ các nước khác ở châu Mỹ cũng như tự gia tăng sản lượng của chính mình. Việc tự chủ nguồn cung đậu tương sẽ giúp Trung Quốc có thêm những lợi thế trong cuộc chiến thương mại, mà nhiều người lo sợ sẽ kéo dài, với Mỹ.