Đề xuất mở rộng TP.HCM của GS-KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đưa ra trong hội thảo “Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp” mới đây đang thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều chuyên gia cũng như người dân TP.
“TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước về nhiều mặt: đô thị, dân số, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật…, là trung tâm của vùng Đông Nam bộ và cả phía Nam. Vì vậy, TP.HCM có vị trí, vai trò rất lớn và trong tương lai cần phát triển thành đại đô thị để tranh đua với các đô thị lớn trên thế giới”. Ngày 13-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-KTS Trần Ngọc Chính cho biết như trên.
Thành phố còn rất thiếu quỹ đất
. Phóng viên: Mở rộng TP.HCM như ông đã nêu trong hội thảo là đề xuất táo bạo và chưa từng được đề cập trước đây. Xin ông nói rõ hơn về căn cứ và ý tưởng, vì sao lại cần mở rộng TP.HCM?
GS-KTS Trần Ngọc Chính
+ GS-KTS Trần Ngọc Chính: Ngoài nguyên nhân tôi vừa nói như trên thì còn nhiều vấn đề nữa cần xem xét. Đầu tiên, là một đô thị lớn thì TP.HCM phải có các trung tâm tầm cỡ như trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa đào tạo, bệnh viện trung ương - địa phương - bệnh viện phục vụ nhân dân, công viên chuyên đề, trung tâm về bảo tàng - lịch sử - văn học nghệ thuật, khu vui chơi thể thao, trung tâm triển lãm, hệ thống giao thông tĩnh-động… Trong những yếu tố trên, TP còn thiếu rất nhiều và không đủ quỹ đất để xây dựng, phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, một đô thị lớn không thể dành tất cả diện tích đất cho xây dựng mà cần có vành đai xanh bao gồm đất đai dành cho nông nghiệp công nghệ cao, đất đai trồng hoa màu… Tức là tỉ lệ đất dành cho vành đai xanh không hề nhỏ.
Nhu cầu là vậy nhưng hiện TP chỉ rộng hơn 2.000 km2, riêng huyện Cần Giờ đã chiếm 1/3 diện tích (rộng hơn 700 km2). Huyện này đang là lá phổi che chắn cho TP, chống nước biển dâng, biến đổi khí hậu, là khu sinh quyển không được đụng tới. Có thể thấy TP đã mất 1/3 diện tích xây dựng.
Ngoài ra, do dân số ngày càng đông, nhu cầu phát triển ngày càng cao nhưng tất cả sự phát triển của TP hiện đều dồn vào hạt nhân là các quận trung tâm và Thủ Thiêm nên tôi cho rằng TP sẽ thiếu đất xây dựng trong 10-15 năm nữa. Hiện nay dân số TP là 10 triệu người mà đã thiếu đất xây dựng nhà ở, sau này lên 15 triệu dân thì càng thiếu hơn. Có người nói thiếu đất xây dựng thì xây nhà cao tầng nhiều hơn nhưng tôi cho rằng khu vực trung tâm không nên cao tầng hóa nhiều vì nền đất TP vốn là khá yếu.
Từ những yếu tố trên, với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, tôi nhận thấy việc mở rộng TP là cần thiết. Hiện chúng tôi mới nghiên cứu trong nội bộ và lần đầu đưa ra đề xuất ở hội thảo vừa rồi.
Hiện tất cả sự phát triển của TP đều dồn vào hạt nhân các quận trung tâm và Thủ Thiêm. Ảnh: QH
Mở rộng nhưng cần nghiên cứu kỹ
. Vậy theo ông, TP.HCM nên mở rộng ra sao, về hướng nào là hợp lý về mặt khoa học, hành chính, địa lý, tự nhiên?
+ Như tôi đã trình bày, đây mới là nghiên cứu nội bộ và đề xuất về mặt ý tưởng. Ngay lúc này, không nên nói TP.HCM cần phải mở rộng bao nhiêu km2. Riêng về hướng thì theo nhận định của tôi, nên mở rộng về phía Long An.
Nhưng tôi nhắc lại, đó mới chỉ là ý tưởng. Muốn trả lời một cách chính xác là TP nên mở rộng bao nhiêu km2 và về hướng nào thì cần một cuộc nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng, quy mô với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành. Chỉ sau khi tính toán cụ thể được về mặt dân số, địa lý, hành chính, ảnh hưởng xã hội, nhu cầu địa phương… thì mới đề ra các con số.
. Nhưng vì sao ông lại cho rằng nên mở rộng về hướng Long An mà không phải các hướng khác?
+ Long An ở phía Nam TP.HCM, khu vực phía Nam cũng gắn liền với biển nên tốt hơn. Hơn nữa, vượt sông Vàm Cỏ Đông có lẽ thuận lợi hơn là vượt sông Đồng Nai để mở rộng về hướng tỉnh Đồng Nai. Còn mở rộng về hướng huyện Củ Chi thì chỉ phát triển có mức độ.
Tất nhiên, như tôi đã nói, cần có nghiên cứu cụ thể và sau đó mới có thể trả lời chính xác là có nên mở rộng TP.HCM không, mở rộng về hướng nào và bao nhiêu km2. Như Hà Nội trước đây, sau các nghiên cứu, tính toán rất cụ thể thì trung ương mới quyết định mở rộng về hướng Hà Tây.
. Việc mở rộng một đô thị chắc chắn gặp nhiều khó khăn về vấn đề liên quan đến pháp lý, quản lý và cả sự ảnh hưởng đối với các tỉnh liên quan. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Tất nhiên, việc mở rộng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, địa phương khác và chưa chắc gì tỉnh đó đã chịu. Vì vậy, trước tiên thì cần phải có sự đồng ý cao nhất của cả nước trên cơ sở bàn bạc cụ thể với tất cả bên liên quan để tạo sự đồng thuận.
Tôi chỉ là một chuyên gia độc lập, tôi nêu ra vấn đề vì thấy sự cần thiết. Còn muốn nó thành hiện thực thì cần phải có sự chỉ đạo từ các cấp cao hơn. Ví dụ như Chính phủ thấy đề xuất này là cần thiết thì đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, mở nhiều hội thảo bàn luận, lấy nhiều ý kiến, lập các bản kế hoạch, nghiên cứu cụ thể xem đề xuất này có khả thi hay không. Nếu khả thi thì tiến hành các bước tiếp theo…
. Câu hỏi cuối cùng: Theo đánh giá của ông, đề xuất này có thể thành hiện thực trong tương lai hay không?
+ Cũng có thể trở thành hiện thực và có thể không bao giờ.
. Xin cám ơn ông.
Phải sắp xếp, cơ cấu lại một cách hợp lý
Trong hội thảo "Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp" tổ chức ở TP.HCM chiều 11-10, GS-KTS Trần Ngọc Chính đề xuất mở rộng không gian đô thị TP theo phương án về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên.
Cũng tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng về lâu dài, TP sẽ không xin thêm đất xung quanh mà phải sử dụng cho tốt hai vùng Củ Chi và Cần Giờ. "Phải có sắp xếp lại, cơ cấu như thế nào để đảm bảo vận hành của TP hợp lý hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những đề xuất của các chuyên gia để góp phần hoàn thiện quy hoạch TP" - Bí thư Thành ủy nói.