Những ngày này, anh Tống Xuân Cần (1980), lái xe rơ moóc chở thực phẩm tại TPHCM phải xuất phát xe từ nửa đêm để đi các tỉnh Tây Nguyên do quãng đường di chuyển mất nhiều thời gian hơn cho việc kiểm dịch.
Anh Cần chia sẻ, bình thường từ TPHCM đi Gia Lai mất khoảng 5 tiếng nhưng giờ phải mất từ 7-8 tiếng di chuyển. Bên cạnh đó, cứ 3 ngày, những tài xế như anh lại phải chọc mũi, họng để xét nghiệm. Song, dù có giấy xét nghiệm COVID-19 nhưng hiệu lực áp dụng lại khác nhau ở các địa phương. “Đến Gia Lai họ không chấp nhận test COVID-19 tại TPHCM dù giấy còn hiệu lực nên tôi phải tiếp tục test tiếp. Quy định này gây tốn kém và khó khăn cho lái xe”, anh Cần nói.
Anh Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc doanh nghiệp có hơn 40 xe rơ moóc chuyên chở hàng hóa, thực phẩm tại Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp của anh ngoài trụ sở ở Hà Nội có chi nhánh tại TPHCM. Doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh gặp khó khăn nay phải gánh thêm rất nhiều chi phí về test COVID-19.
Theo anh Hưng, về chi phí xét nghiệm, lái xe phải xét nghiệm nhanh COVID -19 với chi phí từ 253.000 đến 300.000 đồng, nếu xét nghiệm PCR là 750.000 đồng. Với mỗi xe, doanh nghiệp thêm chi phí từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng cho tài xế và phụ xe chỉ trong 2 ngày. Chưa kể lái xe thường phải gửi xe ngoài thành phố để tìm nơi xét nghiệm trong nội đô, chờ lấy kết quả mất thời gian.
Giải điểm nghẽn tập kết hàng hóa
Trao đổi với Tiền Phong chiều 23/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những ngày qua, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã kiểm tra nhiều khu chợ, siêu thị và có nhiều buổi làm việc phối hợp giải quyết nhanh các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa với các đơn vị liên quan. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cũng đã họp và thống nhất đánh giá nguồn hàng, có thể đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân các tỉnh thành phía Nam.
Đến nay tình hình cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía Nam đã cải thiện rất nhiều so với cách đây một tuần khi hàng loạt chợ đầu mối, chợ truyền thống đóng cửa và chỉ có siêu thị hoạt động. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản và lương thực thực phẩm trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam cũng đã tương đối thông thoáng.
Về lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các giải pháp, đề xuất của các bộ ngành đã có. Vấn đề cần có sự phối hợp đồng bộ của các địa phương. Đặc biệt là những quy định liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa từ vùng không có dịch tới vùng có dịch thế nào. Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay chính là việc mở lại hoạt động các chợ đầu mối. Các chợ đóng cửa khiến các thương lái, doanh nghiệp phân phối gặp khó do không có điểm tập kết hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác về TPHCM.
Gỡ khó vận tải hàng hóa thế nào?
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện cho biết, do ban đầu các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 còn lúng túng, mỗi nơi một kiểu, nên có xảy ra ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, tới nay tình hình đã cơ bản thông suốt. Về quy định áp dụng thống nhất toàn quốc, tổng cục đã có phần mềm cấp giấy nhận diện kèm mã QR cho cả nước, khi qua chốt kiểm tra chỉ cần quét mã sẽ được tạo điều kiện. Dự kiến, tới đây Bộ Y tế sẽ tích hợp kết quả xét nghiệm COVID-19 của tài xế lên mã QR này, để quét 1 lần sẽ ra các thông tin cần biết. Thời gian giải quyết cấp giấy nhận diện qua hệ thống tổng cục khoảng 1 giờ và hoàn toàn miễn phí.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục đã đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT trong việc tổ chức phân “luồng xanh” cho phương tiện chở hàng hoá và công nhân, chuyên gia; đề nghị Bộ TT&TT sớm đưa phần mềm quản lý người vào hoạt động để tạo thuận lợi hơn cho vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, thống kê ban đầu và tổng hợp các vị trí địa điểm trạm dừng nghỉ trên hệ thống đường quốc lộ, cao tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xem xét và bố trí lực lượng để tổ chức lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm SARS -CoV-2 khi phương tiện di chuyển trên địa bàn các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe trong quá trình vận chuyển. Tổng số có 106 vị trí trạm dừng nghỉ, cửa hàng xăng dầu có thể bố trí để lấy mẫu xét nghiệm.
Tổng cục cũng chỉ đạo thực hiện việc tạm dừng thu phí các trạm thu phí trên địa bàn các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 20/7/2021 để tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông qua trạm nhanh chóng, tránh ùn tắc, lây lan dịch bệnh.
Đến thời điểm này, các Sở GTVT 19 tỉnh phía Nam đã cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh cho gần 50.000 xe.