"Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” là chủ đề của Banking Vietnam 2019. Vì sao đây là chủ đề được lựa chọn, thưa bà?
Banking Vietnam là một sự kiện tiêu biểu về ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Trải qua nhiều kỳ tổ chức từ 2003 đến nay, Banking Việt Nam đã trở thành cầu nối mang nhiều giải pháp công nghệ mới nhất đến gần hơn với các ngân hàng Việt Nam, thông qua đó góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết những vấn đề quan trọng đặt ra cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng.
Hiện nay, tài chính toàn diện là một vấn đề đang được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Với mục tiêu mang dịch vụ tài chính đến cho mọi người dân và doanh nghiệp, nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới đều cho rằng tài chính toàn diện là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và từng bước thực thi tài chính toàn diện trên nhiều phương diện.
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt cũng đang nổi lên hết sức mạnh mẽ. Với các sản phẩm dịch vụ tài chính ngày càng hiện đại, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán điện tử thì các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế được cung cấp ngày càng nhiều các công cụ tiện ích cho các giao dịch hàng ngày mà không cần sử dụng đến tiền mặt. Việc giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn gia tăng tính minh bạch và hiệu quả, do đó, góp phần làm cho nền kinh tế vận hành tốt hơn.
Trong quá trình thực thi tài chính toàn diện, người ta đã thấy rằng việc đạt được tài chính toàn diện cũng đồng thời tiến tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt, nơi mà mọi người dân, doanh nghiệp sẽ thực hiện các giao dịch tài chính của mình thông qua các dịch vụ tài chính được cung cấp một cách đầy đủ và tiện lợi.
Trong bối cảnh đó, Banking Việt Nam năm nay đã được tổ chức với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt”. Chúng tôi mong muốn thông qua Banking 2019 sẽ có một diễn đàn thực sự hiệu quả để bàn thảo, cũng như tìm kiếm những giải pháp công nghệ có tính thực tiễn cao để giải quyết những vấn đề quan trọng đang đặt ra cho ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, đó là tài chính toàn diện và xu thế phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Việc thực thi tài chính toàn diện sẽ gắn kết chặt chẽ với phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt |
Năm 2017, Banking Vietnam có chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam”. Vậy Banking Vietnam 2019 có điểm gì khác biệt hơn?
Có thể khái quát một số điểm khác biệt căn bản của Banking Vietnam 2019 so với Banking Vietnam 2017.
Thứ nhất, Banking Vietnam 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hướng tới thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Nếu như năm 2017, việc thực thi tài chính toàn diện tại Việt Nam mới chỉ hình thành những bước khởi đầu, thì qua hai năm bối cảnh đã có khá nhiều thay đổi. Một số giải pháp đã được triển khai trong thực tiễn như là các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã được đẩy mạnh, việc phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, cung ứng vốn tín dụng cho DNNVV luôn được chú trọng, các kênh cung ứng dịch vụ đặc biệt là internet banking, mobile banking được phát triển rất nhanh. Đặc biệt là nhận thức về tài chính toàn diện ngày càng được phổ biến rộng rãi.
Theo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 (Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2019) của Chính phủ, việc xây dựng “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia” là một trong những trọng tâm cần thực hiện trong năm 2019.
Thứ hai, Đề án Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đang bước vào 2 năm cuối cùng thực hiện, hướng tới mục tiêu đạt tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Rõ ràng đây là mục tiêu không hề dễ dàng, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019 đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh TTKDTM, thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech), ngành Ngân hàng sẽ phải có nhiều giải pháp chủ động và đột phá hơn nữa, áp dụng công nghệ, các giải pháp sáng tạo để đạt được mục tiêu như đã đặt ra.
Do đó, có thể coi đây là giai đoạn nước rút, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để vừa thực hiện thành công Đề án TTKDTM, vừa bổ sung, hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và như đã nói ở trên, việc thực thi tài chính toàn diện cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt. Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, Banking Vietnam 2019 sẽ là diễn đàn thảo luận chuyên sâu, nhằm tìm kiếm những giải pháp công nghệ có tính thực tiễn cao, phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam hiện nay để giải quyết những vấn đề này.
Hội thảo Banking 2019 cũng sẽ có một phiên báo cáo chính và hai phiên chuyên đề chuyên sâu. Các chuyên gia ngân hàng, công nghệ sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan tài chính toàn diện và TTKDTM với nhiều khía cạnh phong phú và đa dạng như: kinh nghiệm quốc tế, vai trò và các giải pháp phát triển hệ thống thanh toán và dịch vụ thanh toán trong thực thi tài chính toàn diện; phát triển dịch vụ thanh toán di động cho khu vực vùng sâu, vùng xa; các giải pháp công nghệ hỗ trợ ngân hàng triển khai và quản lý dịch vụ tài chính; xây dựng hệ sinh thái tài chính; Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ quản trị rủi ro…
Vậy tiến độ xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đang ở bước nào, thưa bà?
Như tôi đã nói ở trên, theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, NHNN có nhiệm vụ xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Với nhiệm vụ được giao, NHNN đã hết sức khẩn trương, có trách nhiệm xây dựng chiến lược. Trong đó, chiến lược có sự tham vấn, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế với các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Liên Hợp quốc (UNDP, UNCDF), Liên minh tài chính toàn diện (AFI), NHTW Malaysia…
Dự thảo Chiến lược cũng đã được NHNN gửi xin ý kiến rộng rãi các bộ/ngành và hiện đang hoàn thiện để trình Chính phủ theo đúng thời hạn quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Xin trân trọng cảm ơn bà!