Qua hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới và trong nước càng nhận thấy rõ và khẳng định vai trò của nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đề cập trong buổi thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 ngày 30/10/2021. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 thì một trong những quan điểm lâu dài là tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh và bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, trong lúc khó khăn, khu vực nông thôn lại trở thành chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng dang tay đón lao động từ các khu công nghiệp, các thành phố lớn quay trở về như thời gian vừa qua. Qua đây cũng nhận thấy ngành nông nghiệp cũng cần phải thay đổi, phải cơ cấu lại để thích ứng với thực tiễn nhiều biến động và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
“Tôi đồng tình và nhất trí cao với mục tiêu, các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp như báo cáo của Chính phủ. Có thể nói, các mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã cơ bản giải quyết được những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay là thiếu bền vững, kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp về kinh tế số, kinh tế xanh và giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Các giải pháp đưa ra cũng đã bám sát với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu ý kiến.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội còn có một số băn khoăn, đó là trong báo cáo của Chính phủ có nêu về bối cảnh kinh tế trong nước, tính tự chủ của nền kinh tế thấp, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài. Đa số đại biểu cho rằng nội dung này đánh giá hoàn toàn đúng, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp. Trên thực tế hiện nay, mặc dù là nước nông nghiệp, sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất lớn.
Trên Cổng thông tin điện tử của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 8/10/2021 có bài viết với tiêu đề "Mỹ nói Việt Nam là cường quốc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi", trong đó có nội dung "Việt Nam là nhà nhập khẩu lượng ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ năm trên toàn cầu vào các năm 2021-2025".
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan kỳ 1/10/2021 số tiền chi trả để nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu từ đầu năm đến thời điểm báo cáo về thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc và nguyên liệu thuốc trừ sâu và nguyên liệu phân bón các loại đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, trong mấy tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến cho doanh nghiệp và các hộ nông dân chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn và thua lỗ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, nguyên nhân giá thức ăn tăng cao là do tác động của dịch bệnh dẫn đến giá cả và chi phí vận chuyển đều tăng. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón và các nguyên liệu khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ chưa đề cập đến việc tự chủ của ngành nông nghiệp từ việc chưa đưa ra mục tiêu nên trong báo cáo cũng chưa nêu nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề này. “Tôi đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, xem xét, đưa nội dung tiến tới tự chủ về nguyên liệu sản xuất vào trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, đại biểu Chu Thị Hồng Thái kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng trong nhóm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, 10 đề án quy hoạch liên quan chủ yếu sẽ phải hoàn thành trong giai đoạn 2 năm 2021-2022 đòi hỏi sự tập trung cao độ của bộ chủ trì và các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu giai đoạn 10 năm tới.
“Cần đột phá trong chuyển dịch kinh tế hộ chủ yếu là nông dân thành kinh tế hợp tác hay hợp tác xã và thúc đẩy nâng cấp hợp tác xã thành doanh nghiệp hay kinh tế doanh nghiệp và tách lực lượng lao động phi nông nghiệp riêng nhằm góp phần hình thành hệ sinh thái hợp tác xã với doanh nghiệp, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ với tập đoàn kinh tế mạnh, tạo liên kết vùng, chọn ngành lợi thế nhất làm trục để tương trợ nhau phát triển bền vững”¸ đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị.
Nhấn mạnh về những nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ có nêu xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về giá cả thị trường, xây dựng trang web thông tin hằng ngày, thị trường giá cả nông sản chủ lực của trong nước và thế giới. Thông tin các danh mục sản phẩm, giá cả nông sản chủ lực của doanh nghiệp trong nước, dự báo nhu cầu trong nước và thế giới.
Nhiều đại biểu Quốc hội đều đồng tình đây là nội dung mà các doanh nghiệp, thương lái cũng như người nông dân đang rất mong đợi để có được thông tin về giá cả thị trường rõ ràng. Trên cơ sở đó, người nông dân, doanh nghiệp sẽ biết mình cần phải sản xuất mặt hàng gì, mua con giống, phân bón uy tín, chất lượng ở đâu và bán sản phẩm ở thị trường nào. Tuy nhiên, trong danh mục các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp có 10 đề án, không có đề án nào thực hiện về nhiệm vụ này. Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có giải pháp thực hiện nhiệm vụ này đạt hiệu quả, đáp ứng được mong đợi của người nông dân.