Nhờ tái cơ cấu nông nghiệp, Sóc Trăng đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững.
Hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp
Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng từng là vùng mía nổi tiếng ở miền Tây. Tuy nhiên khi giá cây mía không ổn định, thêm tác động của biến đổi khí hậu, người dân trồng mía nơi đây đã gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết bài toán cây mía cho người dân, đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện có chủ trương giảm diện tích mía, chuyển sang trồng cây ăn quả theo hướng tập trung gắn với phát triển HTX, hình thành các vùng trồng liên kết với các công ty xuất khẩu.
Từ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính bền vững như các vùng trồng xoài cát Chu, nhãn ido, xoài Đài Loan gắn mã code; mô hình trồng xoài, nhãn, rau màu, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP...
Ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đã chuyển hàng ngàn hecta đất sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế hơn. Từ đó, giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực, một số mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2020 giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản trên 1ha đạt 152 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng/ha so với cùng kỳ. Huyện cũng đã chuyển đổi 514ha đất mía sang trồng cây ăn quả, rau màu và nuôi thủy sản.
Sóc Trăng có 243 cánh đồng lớn, diện tích gần 53.000ha |
Tại thị xã Ngã Năm, theo báo cáo của UBND thị xã, trong nhiều năm qua, mỗi vụ địa phương có khoảng 18.000ha diện tích đất sản xuất lúa, trong đó, có đến 65% diện tích sử dụng giống lúa đặc sản, cao sản và trên 55% diện tích sản xuất được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu, giúp ổn định đầu ra sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận, tạo sự an tâm cho người dân trong sản xuất. Riêng vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, nông dân Ngã Năm sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm lên hơn 80%, trong đó, giống chủ lực là ST24.
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đối với cây lúa, Sóc Trăng tập trung thúc đẩy sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, đặc biệt nhóm giống lúa ST. Trong tổng diện tích gieo trồng cả năm 2020 đạt khoảng 338.000ha có gần 180.000ha diện tích sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm các loại. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ.
Hướng đi bền vững
Nói về một số kết quả nổi bật của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong 4 năm qua trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần đổi mới toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp.
Theo đó, sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn/năm, tỷ lệ lúa đặc sản chiếm hơn 52% diện tích gieo trồng; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản ước đạt 317.180 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 185 triệu đồng/ha/năm.
Thực tế, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã tiến hành tổ chức sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn, đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP. Theo đó tỉnh đã có 243 cánh đồng lớn, diện tích gần 53.000ha; có 1.226 ha diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ; hơn 330 ha diện tích lúa được cấp chứng nhận VietGAP.
Để hình thành các vườn cây ăn quả theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ, tỉnh đã hỗ trợ nhà vườn tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng trồng được cấp mã code diện tích hơn 420ha/420 hộ, hỗ trợ liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ đối với các sản phẩm đã được xây dựng chuỗi liên kết như vú sữa, xoài, bưởi, nhãn...
Thủy sản là kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng |
Trong lĩnh vực thủy sản vốn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đã đưa ra nhiều biện pháp mở rộng diện tích nuôi trồng. Đến nay diện tích thả nuôi của tỉnh đạt 76.270ha. Để nuôi thủy sản đạt năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã hỗ trợ hộ nuôi thực hiện các mô hình như nuôi tôm lót bạt 2 giai đoạn; nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, cá chẽm; nuôi ao đất có hố xi phong, ao tròn lót bạt nổi. Ngoài ra, tuyên truyền khuyến cáo hộ nuôi áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP với diện tích hơn 1.188ha.
“Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp qua 4 năm triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp làm thay đổi tích cực trên các lĩnh vực nông nghiệp” - ông Huỳnh Ngọc Nhã đánh giá.
Theo ông Nhã, để tiếp tục phát huy thành quả đề án, tới đây, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế của tỉnh, xây dựng và phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thúc đẩy phát triển đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.
Được biết, hiện Sóc Trăng đã có 50/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tỉnh có 99 sản phẩm đã đạt sao OCOP tỉnh, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao, 75 sản phẩm 3 sao.
Ngọc Hân