Hiện tại, số lợn trên đã được tiêu hủy. Hộ chăn nuôi còn lại 1 con lợn nái và 8 con lợn mới sinh nhưng có kết quả âm tính với virus tả lợn châu Phi và đang được giám sát, theo dõi.
Trước đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến đầu tháng 4 Hà Nội tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi ở hai huyện Sóc Sơn và Thạch Thất. Trạm thú y xã và chính quyền địa phương đã phối hợp tiêu hủy 118 con lợn với trọng lượng hơn 8.000kg theo đúng quy trình và áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch.
Trại nuôi lợn của một nông dân huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: I.T
Như vậy sau hơn 2 tháng công bố hết dịch tả lợn châu Phi, bệnh dịch này đã tái phát khiến Hà Nội phải nâng cao mức đề phòng trong bối cảnh nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi đang tăng cao.
Đáng chú ý, sau gần 2 tháng công bố hết dịch, tại tỉnh Bắc Kạn cũng xuất hiện lại tình trạng lợn ốm, chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Theo thông tin từ Sở NNPTNT Bắc Kạn, khoảng 2 tuần qua rải rác có hiện tượng lợn ốm, chết tại các huyện Ngân Sơn, Chợ Mới và Chợ Đồn. Tại huyện Ngân Sơn, xác định điểm dịch tại hộ chăn nuôi ở xã Vân Tùng với 69 cá thể lợn dương tính với tả lợn châu Phi. Tại các huyện Chợ Mới và Chợ Đồn cũng rải rác xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết. Kết quả mẫu xét nghiệm đều dương tính với tả lợn châu Phi. Hiện cơ quan chuyên môn đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy mẫu, tiêu hủy và khoanh vùng dập dịch theo quy định.
Ông Nông Quang Nhất - Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Kạn cho biết, chưa xác định được nguyên nhân cũng như nguồn lây bệnh, do các hộ chăn nuôi chỉ lấy con giống trong tỉnh.
Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại Bắc Kạn với hơn 27.000 con lợn phải tiêu hủy. Địa phương đang bắt đầu cho tái đàn theo hướng an toàn sinh học với tổng đàn hiện có khoảng gần 140.000 con, tuy nhiên, giá lợn giống cao đã khiến việc tái đàn gặp không ít khó khăn, cộng với bệnh dịch tả lợn châu Phi quay trở lại khiến bà con lo việc tái đàn sẽ gặp "quả đắng".
Để tái đàn hiệu quả, bà con nông dân cần chú ý làm sạch chuồng trại, thực hiện khử trùng thường xuyên, tiêm phòng vaccine đầy đủ cho lợn... Ảnh: T.L
Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tái đàn, Hà Nội đã kịp thời chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có lợn mắc bệnh DTLCP. Đến nay, đã có hơn 90% số hộ có lợn mắc bệnh được các ngành chức năng chi trả tiền hỗ trợ. Việc này không chỉ góp phần bù đắp thiệt hại cho người dân khi có lợn mắc bệnh mà còn là giải pháp quan trọng để người dân không giấu dịch.
Được biết, trung bình mỗi tháng Thủ đô tiêu thụ khoảng 18.500 tấn thịt lợn nên hiện nay việc vận chuyển lưu thông lợn trên địa bàn rất lớn; trong khi đó, việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 800 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quản lý.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhấn mạnh, muốn đảm bảo vệ sinh an toàn phòng dịch, có mấy yếu tố cần lưu ý như sau: Thứ nhất, làm thế nào chuồng trại phải sạch, nhiều bà con chủ quan cứ nghĩ đã làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại bằng cách rắc vôi, khử trùng nhưng hoàn toàn sai lầm vì không làm sạch chuồng trại thì bất cứ khâu khử trùng nào cũng trở nên vô nghĩa.
Thứ hai là người chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng vaccine. Tiêm đúng liều, định kỳ, thường xuyên chứ không đợi dịch bùng phát mới rục rịch tiêm thì lúc đó khả năng phòng dịch đã giảm đi rất nhiều.
Thứ ba, phải xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, vì nếu trong vùng dịch mà anh có chứng nhận cơ sở an toàn dịch thì sản phẩm của anh vẫn xuất bán bình thường mà không cần lo lắng. Đây chính là mấu chốt của việc đảm bảo an toàn sinh học và chăn nuôi bền vững.
Thứ tư, phải khai báo kịp thời vấn đề vệ sinh thú y với cán bộ thú y. Đây là cơ sở để cán bộ thú y lập kế hoạch theo dõi, vừa thuận tiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm gia cầm.
Theo ông Sơn, hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung hướng dẫn người dân tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường. Các địa phương tăng cường kiểm tra cơ sở trong việc tái đàn lợn bảo đảm theo hướng an toàn sinh học; những hộ chăn nuôi khi nhập giống về nuôi phải khai báo nguồn gốc xuất xứ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đang thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện các ổ dịch...