Sau 8 tháng thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), Facebook, Youtube đã ngăn chặn việc xuất hiện quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam trên những video clip xấu độc. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng này lại tái diễn.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã có cuộc trao đổi với Trí Thức Trẻ về vấn đề này.
Thưa ông, Bộ TTTT đã có những hành động gì để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam hiển thị trên những video clip xấu độc trên mạng xã hội Facebook, Youtube?
Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Thông tin và Tuyền thông, trực tiếp là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã triển khai một loạt biện pháp để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo gắn vào những video clip xấu độc trên Facebook, Youtube. Trong đó có 3 biện pháp chính:
Một là, gửi công văn và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp và các đại lý quảng cáo đưa những sản phẩm, video quảng cáo lên Facebook, Youtube. Việc này nhằm cảnh báo cho họ biết những nguy cơ, cũng như những rủi ro vi phạm pháp luật nếu những quảng cáo của mình không được kiểm duyệt và gắn vào video clip xấu độc.
Thứ hai, Bộ TTTT đã làm việc với Facebook, Google để yêu cầu những đơn vị này gỡ bỏ ngay những video clip xấu độc và không gắn quảng cáo lành mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam vào những video clip xấu độc.
Thứ ba, Bộ TTTT cũng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức về những nguy cơ trên môi trường mạng xã hội, đặc biệt là trên mạng xã hội Facebook và Youtube. Việc này giúp người dân, doanh nghiệp tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc khi quảng cáo và tìm kiếm nội dung.
Sau một thời gian thực hiện, Bộ TTTT đã nhận thấy những kết quả khá tích cực. Như đã báo cáo với Quốc hội và cung cấp thông tin cho báo chí, sau gần 1 năm triển khai, Google đã gỡ bỏ hơn 5.000 video clip xấu độc, vi phạm pháp luật trên nền tảng Youtube, chiếm tỷ lệ 90% so với những yêu cầu từ phía Bộ TTTT. Phía Google còn cho biết, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới hiện nay. Nước đứng thứ hai là Thái Lan cũng chỉ đạt được 89%.
Tại các buổi làm việc, Bộ TTTT đã phát đi thông điệp gì đến với Facebook, Youtube? Họ đã phản hồi ra sao đối với những thông điệp ấy của Bộ TTTT?
Thông điệp của cơ quan chức năng đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, là yêu cầu họ phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu đó. Họ phải tuân thủ các quy định, mà tập trung nhất là các quy định về quản lý nội dung thông tin và các hoạt động quảng cáo trên nền tảng của họ.
Trong năm 2017, Giám đốc phụ trách nội dung toàn cầu của Facebook và Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc mở rộng của Google đã đến làm việc với Bộ TTTT. Đại diện Facebook, Google đã có hai thông điệp gửi đến Bộ TTTT trong các cuộc gặp cấp cao:
Một là, tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, phối hợp với Bộ TTTT để ngăn chặn và gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật.
Hai là, mong muốn Bộ TTTT và các cơ quan chức năng tạo điều kiện để họ được hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc gắn quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam trên video clip phản cảm, gây hại đến trẻ em đã tái diễn trong thời gian gần đây. Tại sao có tình trạng này thưa ông?
Đúng là đã xảy ra tái diễn việc quảng cáo được gắn vào một số video clip vi phạm pháp luật, sau 8 tháng triển khai nghiêm túc. Chúng tôi đã tìm hiểu sự việc và phát hiện ra hai nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, thuật toán tự động của Google đã không giải quyết được triệt để vấn đề. Google cho biết, họ đã thay đổi thuật toán, tinh chỉnh lại các bộ phận kiểm duyệt trên mạng, bổ sung thêm rất nhiều người, thành lập những nhóm ở khắp nơi trên thế giới,... Tuy nhiên, chúng ta thấy thuật toán tự động của Google không giải quyết được triệt để vấn đề quảng cáo của các doanh nghiệp ở trong nhưng video clip xấu độc. Đó là nguyên nhân cốt lõi.
Thứ hai, những kẻ xấu, có mục đích không lành mạnh đã lách bằng cách đặt những video clip vào mục văn hóa nghệ thuật, chèn nửa đầu video clip là lành mạnh còn nửa cuối xấu độc,...
Tôi nêu những nguyên nhân khách quan và chủ quan để chúng ta thấy được sự cố gắng hợp tác của cả phía Google, doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, chứ không phải họ phớt lờ yêu cầu của Bộ TTTT.
Bộ TTTT có những giải pháp gì tiếp theo để chấn chỉnh tình trạng này?
Hiện nay, Bộ TTTT đã nắm được tình hình và dự tính triển khai tiếp nhiều giải pháp. Cụ thể là:
Giải pháp thứ nhất, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Google để ngăn chặn các dòng tiền quảng cáo chảy vào những video clip vi phạm pháp luật. Google hiện cũng đang triển khai chuyện đó. Có thể phải mất 2-3 ngày để xác định video clip vi phạm quy định và gỡ bỏ nó. Nhưng họ đảm bảo với chúng tôi và trên thực tế họ đã làm, đó là nếu Bộ TTTT gửi yêu cầu về video clip, kênh vi phạm pháp luật thì họ sẽ tạm thời dừng dòng tiền quảng cáo.
Hiện nay, một số kênh tiếng việt trên Youtube đã bị dừng dòng tiền quảng cáo vì có những hành vi vi phạm pháp luật (như vi phạm bản quyền, thuần phong vĩ tục, chính sách bảo vệ trẻ em, có hình ảnh hở hang, đưa mặt trẻ em nhưng không có sự đồng ý của phụ huynh,...). Mới đây nhất, video clip của một ca sĩ rất nổi tiếng đã bị Google chặn quảng cáo, gỡ bỏ ngay sau khi đăng lên, do vi phạm bản quyền.
Giải pháp thứ hai, tiếp tục phối hợp gỡ bỏ nội dung thông tin xấu độc. Ở đây cần nói rõ là thông tin xấu độc đã được chỉ rõ ra trong khoản 1 điều 5 Nghị định 72. Nó không chỉ là những thông tin phản động, chống phá chế độ, mà phần nhiều những thông tin xấu độc hiện nay liên quan đến chuyện lợi dụng mạng xã hội để xúc mạng danh dự, nhân phẩm người khác, tổ chức cá nhân, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm chính sách về bản quyền về quy định của pháp luật về dân sự,...
Giải pháp thứ ba, Bộ TTTT sẽ xây dựng danh sách những kênh sạch, hoặc có đăng ký với Bộ TTTT trên Youtube, Facebook. Song song với đó, Bộ TTTT cũng lập danh sách những kênh, fanpage có nội dung vi phạm pháp luật. Bộ TTTT sẽ gửi đồng thời cả hai danh sách này cho các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo để họ chủ động tránh, không quảng cáo vào những video clip, trang fanpage xấu độc. Chúng tôi nghĩ những giải pháp mới này sẽ góp phần làm giảm những người có những ý định kiếm tiền một cách bất chính từ mạng xã hội.
Giải pháp thứ tư, tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, Bộ TTTT sẽ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho cả doanh nghiệp và người dân. Đây là những quy định mềm, bên cạnh những quy định cứng của pháp luật. Bộ TTTT khuyến khích những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức muốn kiềm tiền trên môi trường mạng xã hội đăng ký với Bộ TTTT. Làm như vậy, họ sẽ có trách nhiệm với những nội dung do mình sản xuất, đồng thời nhận được sự bảo vệ của Nhà nước về mặt pháp luật.
Với 4 giải pháp nêu trên, Bộ TTTT cho rằng người xấu sẽ không thể kiếm được tiền từ những doanh nghiệp trong nước và những người kinh doanh chân chính, đàng hoàng sẽ được nhận những đồng tiền hợp pháp. Như đã trình bày nhiều lần, vấn đề hiện nay là doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về quảng cáo. Nếu nhưng không có giải pháp tháo gỡ thì doanh nghiệp cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình. Tìm giải pháp tháo gỡ bên cạnh vấn đề xử phạt là hai việc phải song hành.
Ông có thể nói rõ hơn về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hội đang được xây dựng được không?
Tại kỳ họp thứ 4 vừa kết thúc cách đây ít ngày, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, giao cho Bộ TTTT xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để đưa vào thực tiễn đời sống, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đó cũng là một việc được doanh nghiệp, người dân coi là điều rất cần thiết. Từ Nghị quyết chỉ đạo của Quốc hội, trong năm 2018, Bộ TTTT sẽ triển khai xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho các các doanh nghiệp cung cấp và người sử dụng dịch vụ.
Vì đây là bộ quy tắc ứng xử, một dạng quy định mềm trên môi trường mạng, nên quan trọng nhất là phải nhận được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tổ chức những hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến của các thành phần. Đồng thời, Bộ TTTT cũng sẽ tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiên truyền thông đại chúng để người dân nắm được. Hiện nay, số lượng người dân có sử dụng mạng xã hội là rất lớn, với 53 triệu tài khoản, khoảng 30-35 triệu người.
Bên cạnh việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, Bộ TTTT có kiến nghị như thế nào về những quy định pháp luật hiện tại?
Hiện nay, Bộ TTTT cũng đang đề nghị Thủ tướng sửa đổi một loạt nghị định và thông tư có liên quan đến lĩnh vực internet để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ví dụ như Nghị định 72 về quản lý internet và thông tin trên mạng. Nghị định 159 về xử phát hành chính đối với những vi phạm trên báo chí và internet, Nghị định 174,... sẽ được sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định mới mà thực tiễn thời gian qua đã phát sinh. Đồng thời, tăng mức chế tài đẻ bảo đảm tính răn đe.
Tôi nghĩ, chúng ta sẽ sớm đạt được các mục đích, yêu cầu đặt ra, nếu hoàn thiện được hệ thống pháp luật, kết hợp với tăng cường kiểm tra, rà soát tuyên truyền. Tất nhiên, môi trường internet và mạng xã hội ngày càng phát triển, chúng ta phải luôn luôn điều chỉnh, cập nhật để theo kịp với tình hình.
Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TTTT nói rằng, cần tạo hành lang pháp lý để phát triển các mạng xã hội trong nước. Xin ông cho biết cụ thể hơn về những quy định này?
Hiện nay, có 367 mạng xã hội của các doanh nghiệp trong nước được cấp phép hoạt động. Các doanh nghiệp trong nước cho rằng, giữa họ với doanh nghiệp nước ngoài đang tồn tại sự bất bình đẳng. Doanh nghiệp trong nước mong muốn doanh nghiệp nước ngoài cũng phải tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ TTTT cam kết tạo ra môi trường bình đẳng giữa các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google với các doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng giúp mạng xã hội của các doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển. Đây là điều khó, nhưng chúng tôi đang tiến hành.
Thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tổ chức hội thảo Thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ nội dung số thương hiệu Việt trong nền kinh tế số. Đây là diễn đàn để các doanh nghiệp nói lên nguyên vọng, kiến nghị. Từ đó, Bộ TTTT sẽ tổng hợp, xây dựng chính sách và bảo đảm hơn nữa sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.