Trong tâm trạng buồn tẻ, ông Trương Văn Việt – một ngư dân ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh bày tỏ: “Hơn chục năm bám đuổi nghề này, sau cơn bão cuối năm ngoái gia đình tôi thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Không thể chuyển đổi nghề nghiệp nào khác vì lâu nay mình là cư dân làng biển, nên tôi vét hết số tiền dành dụm từ nhiều năm qua kết hợp vay thêm từ ngân hàng để thả nuôi hơn 10.800 con tôm hùm.
Không ngờ tôm đang có trọng lượng từ 0,6 – 1kg lần lượt chết trong mấy ngày qua. Sáng nào lặn xuống lồng thu dọn vệ sinh cũng thấy tôm chết vài ba chục con”. Cách đó không xa, ông Lê Thành Vinh ngồi bên bè tôm lặng nhìn nhân công vớt tôm hùm chết từ dưới lồng đưa lên rồi nói : “Vụ tôm này tôi thả nuôi hơn 20.000 con, đến giờ số lượng tôm chết hơn 30%, kiểu này không thoát được tình trạng thua lỗ”.
Tôm hùm chết được vớt lên từ lồng nuôi. Ảnh : Hữu Toàn
Tìm hiểu chúng tôi được biết giá tôm thương phẩm mỗi cân tại thời điểm này 1,5 triệu đồng, trong khi tôm chết chỉ bán với giá gần 400.000 đồng, trong khi chi phí đầu tư cho mỗi con tôm hùm chết có trọng lượng 1kg không dưới 1 triệu đồng.
Không riêng tôm hùm, mà cá bớp của ngư dân thả nuôi trong lồng bè ở vùng biển Vạn Thạnh cũng lâm vào tình trạng bất ổn. Theo Hội Nông dân xã Vạn Thạnh, khởi đầu từ sáng ngày 24-10 có khoảng 10.000 con cá bớp bỗng dưng lâm vào tình trang đuối sức rồi chết lần lượt.
Ông Nguyễn Văn Toàn – ngư dân thôn Đầm Môn cho biết : “Đầu tháng ba, tôi thả nuôi 300 con cá bớp. Thấy cá sinh trưởng khá tốt, tôi thầm tin sẽ thu được lãi, không ngờ chỉ trong buổi sáng 24-10 đã có gần 250 con cá lâm vào tình trạng lờ đờ, đuối sức. Nhận định cá thiếu oxy nên tôi mang bình khí oxy đưa ra lồng bè vận hành nhưng không giải cứu được, đành phải bán cho thương lái với giá rẻ, chấp nhận thua lỗ hơn 30 triệu đồng, đó là chưa tính đến tiền công chăm sóc".
Tôm hùm chết phải bán giá rẻ cho thương lái. Ảnh : Hữu Toàn |
Vấp phải khó khăn như ông Toàn còn có nhiều chủ lồng bè cá bớp cũng phải vớt cá lên trong tình trạng ngắc ngoải để bán với giá bèo để thu hồi lại một phần vốn. Thiệt hại nặng nề nhất trong số họ là ông Lê Tú có tới gần 2.000 con cá bớp bị chết đã phải bán đổ tháo. Nếu như mỗi cân giá cá bớp thương phẩm từ 130.000 – 140.000 đồng, thì giờ chỉ bán được 80.000 đồng.
Sau khi xảy ra sự cố tôm hùm, cá bớp chết hàng loạt, Trung tâm quan trắc môi trường – bệnh thủy sản miền Trung thuộc Viện nghiên cứu thủy sản 3 tại Nha Trang đã tiến hành quan trắc, thu thập mẫu nước để kiểm nghiệm và phân tích và kết luận nguyên nhân hàm lượng oxy hoàn tan trong nước rất thấp, mật độ vi khuẩn Vibrio tăng cao, trong khi mật độ lồng nuôi và số lượng tom hùm, cá bớp trong mỗi lồng khá dày, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, chất thải từ thức ăn tồn đọng, trầm tích dưới đáy lồng gây ô nhiễm.
Theo đó các nhà khoa học thủy sản cảnh báo người nuôi tôm, cá ở vùng biển Vạn Thạnh không nên đặt lồng bè gần bờ; giảm thiểu mật độ lồng bè và số lượng tôm, cá trong mỗi lồng nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn không để kết dư tồn đọng gây ôn nhiềm môi trường; bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất trong thức ăn; chủ động xử lý vệ sinh lồng nuôi; kịp thời cách ly những cá thể tôm, cá có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe để điều trị và phòng tránh lây lan diện rộng.
Hàng ngàn còn cá bớp chết phải bán với giá rẻ bèo. Ảnh : Công Tâm |
Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh – ông Võ Lục Phẩm thừa nhận thực trạng người nuôi tôm, cá tự phát ngoài vùng quy hoạch nên khó kiểm soát dịch bệnh, chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách đã tuyên truyền, vận động nhưng một số người dân vẫn bất chấp.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo, ngoài việc thả nuôi tôm, cá trong vùng quy hoạch, ngư dân cần phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bảo vệ môi trường đồng thời kê khai, đăng ký từ thời điểm đầu tư để được các cơ quan chức trách hướng dẫn kỹ thuật, khi xảy ra sự cố thiên tai, dịch bệnh được nhà nước xem xét hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ…