Hết cảnh chênh vênh
Sau trận mưa lũ tháng 10/2017, khu đồi xóm Mớ Khoắc (Hạ Bì, Kim Bôi, Hòa Bình) xuất hiện vết trượt, sạt lở dài hàng trăm mét, đất đá theo đó chảy xuống, làm vỡ nứt tường, nhà dân. Trước tình cảnh đó, tỉnh Hòa Bình đã di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời gấp rút xây dựng một khu tái định cư mới. Cuối năm 2018, người dân Mớ Khoắc bắt đầu an cư tại nơi ở mới.
Người dân xã Na Mèo (Thanh Hóa) nhận quà của lãnh đạo tỉnh và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT). Ảnh: P.V
Nhớ những mùa lũ trước, người dân sống dọc sông Ba (Phú Yên) đã quen với việc “chạy lũ”, cuộc sống cứ bấp bênh theo mỗi mùa nước về. Thực hiện Quyết định 1776, tỉnh Phú Yên xây dựng và thực hiện dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, sạt lở dọc sông Ba với mục tiêu bố trí ổn định chỗ ở cho 115 hộ, tổng số vốn đầu tư khoảng 14,9 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, đã có hơn một nửa số hộ dọn đến nơi ở mới. Tại nơi ở mới bà con được hỗ trợ một lô đất rộng 100m2 và 20 triệu đồng để xây nhà, 100% số hộ được sử dụng điện, nước sạch, trẻ em được cắp sách đến trường.
Cũng từng phải trải qua một trận mưa lụt kinh hoàng hồi cuối tháng 7/2015, cho đến giờ, người dân thôn Bản Sen (Vân Đồn, Quảng Ninh) vẫn không quên được ngày tháng đó khi nhiều nhà cửa, vườn cây ăn trái, chuồng trại chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quyết không để người dân sống trong vùng nguy hiểm, tỉnh Quảng Ninh và huyện Vân Đồn đã hỗ trợ 27 hộ dân của bản chuyển đến khu tái định cư với đầy đủ những điều kiện thiết yếu về hạ tầng. Và rồi, cuộc sống lại nở hoa trên mảnh đất mới khi người dân khôi phục sản xuất, phát triển nghề mới. Bản Sen giờ còn rất ít hộ nghèo.
Bố trí xen ghép, hiệu quả ít tốn kém
Theo TS Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), việc bố trí xen ghép dân cư ở những vùng có nguy cơ cao bị thiên tai, sạt lở, ngập lụt vào những khu dân cư đã có sẵn đang được nhiều địa phương thực hiện.
“So với việc bố trí một khu tái định cư mới rồi đưa người dân vào đó sinh sống thì bố trí xen ghép sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, dễ dàng hơn trong việc tìm quỹ đất. Việc hình thành một khu tái định cư mới đòi hỏi phải có kinh phí khá lớn cho phần hạ tầng trong khi bố trí xen ghép các địa phương có thể tập trung cho từng hộ dân” - ông Thịnh nói.
Ông Đỗ Tấn Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang cho biết, thực hiện Quyết định 1776, tỉnh Hà Giang đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ bố trí cho 10.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai.
“Qua quá trình thực hiện, chúng tôi thấy bố trí dân cư theo hình thức xen ghép phù hợp với Hà Giang. Bố trí xen ghép không đòi hỏi vốn lớn như di cư theo hình thức tập trung do không phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Người dân có thể chủ động nơi ở mới phù hợp với văn hóa của dân tộc mình. Hơn nữa, khi tiến hành di cư xen ghép cũng giúp phát huy được tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong quần chúng nhân dân” - ông Sơn nói.
Việc tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại các điểm tái định cư, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống”. TS Lê Đức Thịnh |
Ngoài việc xây dựng các khu tái định cư, tỉnh Hòa Bình cũng bố trí lại dân cư theo hình thức xen ghép. Trong 3 năm (2016 - 2018), từ các nguồn vốn xen ghép, các huyện, thành phố đã bố trí ổn định chỗ ở cho 510 hộ.
Với đặc thù địa hình chủ yếu là núi cao, diện tích đất tự nhiên nhiều nhưng đất ở ít, việc bố trí xen ghép dân cư vùng thiên tai là cách làm phù hợp với hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đơn cử như huyện Trạm Tấu, riêng năm 2017, thiên tai xảy ra trên địa bàn đã khiến 15 người chết và mất tích, 135 nhà bị trôi, sạt lở. Để di dời những hộ dân này khỏi vùng nguy hiểm khi ngân sách còn hạn hẹp, huyện chọn phương án bố trí xen ghép vào các khu dân cư có sẵn với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.
Với cách làm này, năm 2017, huyện di dời 24 hộ; năm 2018 là 16 hộ và năm 2019 có 21 hộ được chuyển về nơi ở mới an toàn.
Theo ông Lê Đức Thịnh, trong giai đoạn vừa qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, lập quy hoạch tổng thể bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác để có thể hỗ trợ đầu tư thêm các điểm tái định cư.
“Việc tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại các điểm tái định cư, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống” - ông Thịnh nói.