Mưa lũ đã khiến 60 trong số 682 mỏ than ở tỉnh Sơn Tây phải đóng cửa. Đây là khu vực cung cấp khoảng 30% lượng than của Trung Quốc. Sự việc đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng, đe dọa tác động đến tăng trưởng kinh tế của nước này. Ngay sau đó, giá than giao sau đã tăng lên mức kỷ lục khi thị trường mở cửa ngày 11/10.
Việc các mỏ phải ngừng hoạt động khiến Trung Quốc khó có thể gia tăng nguồn cung "bằng mọi giá" như nhà chức trách nước này mong muốn nhằm đảm bảo nguồn cung điện cho mùa đông. Cuối tuần trước, Trung Quốc thông báo sẽ cho phép tăng giá điện cao hơn nhằm thúc đẩy sản xuất điện trong bối cảnh chi phí nguyên liệu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp điện hoạt động cầm chừng hoặc ngừng vận hành.
Theo quy định mới, giá điện sẽ được tăng tới 20% so với tối đa 10% như hiện nay.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ dần dần cho phép điện (được tạo ra từ quá trình đốt than) được giao dịch trên thị trường thay vì chịu giá theo quy định. Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy gia tăng công suất ở các mỏ than đủ tiêu chuẩn. Ngay cả khi đạt tới hạn ngạch khai thác hàng năm, Chính quyền Trung Quốc vẫn yêu cầu các mỏ gia tăng sản lượng than để bù đắp sự thiếu hụt.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, Trung Quốc vẫn có thể thiếu hụt từ 30-40 triệu tấn than trong quý 4. Nó có thể tác động tới sản lượng điện công nghiệp bị cắt giảm khoảng 10% trong tháng 11 và 15% trong tháng 12 tới. Điều này có khả năng dẫn đến giảm 30 sản lượng trong các ngành "ngốn điện" nhất như thép, hóa chất và sản xuất xi măng.