Cử tri tỉnh Quảng Ninh phản ánh, nhiều năm qua xảy ra tình trạng tài khoản cư dân biên giới thành phố Móng Cái mở tại Ngân hàng Nông nghiệp thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) bị phong tỏa, tịch thu...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh gửi tới Kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 9525/VPCP-QHĐP ngày 13/11/2020.
Trong đó cử tri kiến nghị: "Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng đàm phán với phía Trung Quốc cho phép ngân hàng thương mại 2 nước hợp tác, thống nhất thanh toán biên mậu cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cư dân biên giới.
Hiện nay, hoạt động mua bán, trao đổi xuất nhập khẩu hàng hóa của cư dân biên giới được phép theo luật pháp 2 nước Việt - Trung, là chính sách giúp cho hàng nông sản, thủy sản, hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cạnh tranh được với hàng hóa các nước khác; tuy nhiên chưa có hợp tác trong lĩnh vực thanh toán biên mậu đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.
Do đó, trong nhiều năm qua xảy ra tình trạng tài khoản cư dân biên giới thành phố Móng Cái mở tại Ngân hàng Nông nghiệp thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) bị phong tỏa, tịch thu (nếu không có hồ sơ, thủ tục chứng minh nguồn gốc) hoặc cư dân biên giới rút tiền mặt mang về Việt Nam vượt quá định mức được phép mang theo người khi xuất nhập cảnh".
Theo Ngân hàng Nhà nước, không có quy định cho phép cư dân biên giới Việt Nam mở tài khoản tại ngân hàng ở Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Về kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước cho hay: Khuôn khổ pháp lý về hợp tác trong lĩnh vực thanh toán biên mậu Việt Nam - Trung Quốc đã được quy định tại các Hiệp định song phương giữa hai nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc quản lý đối với hoạt động thương mại biên giới, trong đó bao gồm nội dung thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới.
Căn cứ các Hiệp định song phương Việt Nam - Trung Quốc và các văn bản của Chính phủ, ngày 28/8/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, quy định cụ thể phương thức thanh toán phù hợp với từng đối tượng, loại hình thương mại biên giới, bao gồm cả hoạt động thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới, không có quy định cho phép cư dân biên giới Việt Nam mở tài khoản tại ngân hàng ở Trung Quốc.
Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc có động thái siết chặt, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam như yêu cầu hàng hóa phải đạt yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc... Do đó, việc phong tỏa, tịch thu tiền trên tài khoản của cư dân biên giới Việt Nam mở tại ngân hàng ở Trung Quốc là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tại khu vực biên giới để tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân tuân thủ đúng các quy định về quản lý ngoại hối (trong đó có quy định về mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ của cá nhân ở nước ngoài)", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 19/11/1998, được thay thế bởi Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 12/9/2016; Hiệp định thanh toán và hợp tác giữa NHNN và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ký ngày 26/5/1993, sửa đổi ngày 16/10/2003. |
(Theo Dân Trí)