Đại gia bất động sản hàng đầu Việt Nam dường như đang dồn sức vào một dự án dở dang cách đây hơn một thập kỷ sau khi rút khỏi mảnh đất vàng quy mô hàng trăm hecta ở phía Tây Hà Nội.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex - Vinaconex ITC (VCR) vừa có văn bản gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố thông tin bất thường về việc Hội đồng quản trị (HĐQT) phê duyệt vay vốn tại Ngân hàng Sacombank với số tiền tối đa 2.500 tỷ đồng để đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà Amatina - giai đoạn 1) tại Cát Bà, TP.Hải Phòng.
Đây là một dự án từng rất được kỳ vọng của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và công ty con Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex - ITC).
Năm 2011, dự án Cát Bà Amatina được giới thiệu ra công chúng với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD và tầm nhìn: trở thành khu phức hợp nghỉ dưỡng biệt thự biển cao cấp, bến du thuyền, casino và công viên giải trí đẳng cấp quốc tế.
Phối cảnh dự án Cát Bà Amatina. |
Hồi tháng 5/2011, Vinaconex ITC đã có các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại 2 khu biệt thự nghỉ dưỡng Fantasia và Azuria tại Dự án Cát Bà Amatina, nằm trên bờ vịnh Cái Giá của đảo Cát Bà.
Tuy nhiên, dự án sau đó bị đình trệ kéo dài và bị thu hồi. Sau 3 năm bị thu hồi, gần đây, dự án đã được lãnh đạo Hải Phòng đồng ý chủ trương để CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex tiếp tục triển khai thực hiện.
Gần đây, cổ phiếu VCR tăng mạnh, từ mức khoảng 8.000 đồng/cp hồi cuối tháng 8 lên quanh mức 25.000 đồng/cp như hiện tại.
Vinaconex vẫn là công ty mẹ của VCR. Gần đây, Vinaconex của nhóm chủ tịch Đào Ngọc Thanh đã bán phần góp vốn và rút khỏi đại dự án Splendora có quy mô hàng trăm hecta đất sạch tại phía Tây Hà Nội cho nhóm của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex ông Đào Ngọc Thanh gần đây xác định, Vinaconex sẽ chuyển hướng mạnh mẽ từ lĩnh vực xây lắp sang đầu tư bất động sản, với dự án chủ lực là Cát Bà Amatina. Ông Thanh khẳng định dự án Cát Bà Amatina sẽ mang về dòng lợi nhuận rất lớn, mỗi năm 1 nghìn tỷ đồng trong 6 năm tới.
Các nhà đầu tư thăm quan thực địa dự án cách đây gần 10 năm. |
Gần đây, Vinaconex ITC chào bán 140 triệu cổ phiếu với giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu để thu về 1,4 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho dự án.
Trong năm 2019, cổ phiếu VCR đã có 1 đợt tăng giá mạnh gấp 7 lần, từ mức 5.000 đồng/cp lên trên 31.000 đồng/cp rồi sau đó dần dần giảm xuống.
VCR niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hà Nội từ 2010 nhưng nhiều năm thua lỗ và đối mặt với án hủy niêm yết.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 25/9, chỉ số VN-Index giảm nhẹ và quay ngưỡng 910 điểm.
Theo VDSC, VN-Index tiếp tục xu thế tăng sau phiên điều chỉnh nhẹ và thăm dò vùng 906 điểm. Thanh khoản có động thái suy giảm cho thấy thị trường vẫn đang thận trọng mặc dù đang hướng lên. Có khả năng nhịp tăng hiện tại không mạnh như những nhịp trước và cần lưu ý vùng cản 915-920 điểm. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể nương theo nhịp hồi phục hiện tại của thị trường nhưng cần thận trọng và quan sát động thái giao dịch.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/9, VN-Index tăng 6,31 điểm lên 912,5 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm lên 132,64 điểm. Upcom-Index tăng 0,3 điểm lên 60,96 điểm. Thanh khoản đạt 7,5 nghìn tỷ đồng.
V. Hà